Đề xuất tăng 10 lần mức tiền phạt không cần lập biên bản
Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa được áp dụng hình thức xử phạt không cần lập biên bản lên 2,5 triệu đồng với cá nhân, thay vì 250.000 đồng như hiện nay.

Bộ Tư pháp mới đây công bố tài liệu thẩm định dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, do cơ quan này chủ trì soạn thảo.
Một trong những nội dung đáng chú ý được cơ quan soạn thảo đề cập là điều chỉnh mức phạt tiền được áp dụng hình thức xử phạt không lập biên bản.
Theo quy định hiện hành tại luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022, xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng (với cá nhân), 500.000 đồng (với tổ chức). Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Riêng trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Tại dự thảo luật sửa đổi, Bộ Tư pháp đề xuất theo hướng xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi có mức tối đa của khung tiền đến 2,5 triệu đồng (với cá nhân), 5 triệu đồng (với tổ chức).
Riêng trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, dự thảo vẫn duy trì phải lập biên bản.
Như vậy, so với quy định đang có hiệu lực, đề xuất của Bộ Tư pháp đã tăng 10 lần mức phạt tiền tối đa được áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.
Giải thích cho đề xuất của mình, Bộ Tư pháp đánh giá hiện nay các hành vi vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đang được quy định theo hướng tăng khung tiền phạt. Ngay tại dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cũng đang dự kiến quy định tăng mức tiền phạt tối đa đối với một số lĩnh vực.
Cạnh đó, việc tăng mức tối đa của khung tiền phạt làm cơ sở để xác định xử phạt không cần lập biên bản sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục xử phạt, giảm thiểu tối đa các trường hợp phải lập biên bản vi phạm hành chính, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Ủng hộ đề xuất, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, phân tích rằng, thủ tục xử phạt không lập biên bản thường được áp dụng với các vụ việc vi phạm đơn giản, rõ ràng, không có tình tiết phức tạp.
Trường hợp không thể nộp tiền phạt ngay tại chỗ (không mang theo tiền hoặc không đủ số tiền phải nộp…), người vi phạm có thể nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào số tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
Bằng hình thức xử phạt trên, vụ việc vi phạm hành chính được giải quyết nhanh chóng, trật tự quản lý được khôi phục ngay, đồng thời không gây khó khăn, phiền hà cho người bị xử phạt.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều lĩnh vực đã tăng, nhằm phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội cũng như đảm bảo tính răn đe. Do đó, việc tăng mức tiền xử phạt được áp dụng hình thức xử phạt không lập biên bản là hoàn toàn hợp lý.
Với quy định như dự thảo, phạm vi áp dụng xử phạt không lập biên bản mở rộng, số vi phạm được xử lý bằng hình thức này sẽ tăng, qua đó giảm áp lực cho người có thẩm quyền trong việc phải lập biên bản vi phạm hành chính.
Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn thuận lợi cho chính người vi phạm.
Bích Ngân