+
Aa
-
like
comment

Đề xuất tạm ứng trợ cấp cho người lao động bị trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp

Bích Ngân - 27/11/2024 16:04

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề xuất cơ chế tạm ứng từ quỹ bảo hiểm khi doanh nghiệp chậm hoặc không đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương). 

Hôm nay ngày 27/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Việc làm sửa đổi. Theo dự thảo, nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi thôi việc, người lao động có thể tự đóng số tiền còn thiếu để được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Khi thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng, cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn trả lại tiền cho người lao động.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; trợ cấp thất nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương) cho rằng người lao động phải đóng bù bảo hiểm bị nợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và gây bức xúc cho người lao động. Bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động, và là nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp thì “cơ quan bảo hiểm nên tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi trợ cấp thất nghiệp, sau đó doanh nghiệp phải hoàn trả kèm lãi suất”.

Bà cũng kiến nghị bổ sung quy định doanh nghiệp phải bồi thường cho người lao động trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp. “Dự luật cần nâng chế tài xử phạt đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng hoặc kê khai sai mức lương để gian lận. Chính phủ quy định chi tiết thời gian tối đa cho phép chậm đóng trước khi bị xử phạt, tránh tình trạng kéo dài và gây bất lợi cho người lao động”, bà Trân đề xuất.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam) nói khi mất việc, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. “Yêu cầu họ phải bỏ ra trước một khoản tiền để đóng đủ số tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp là vô lý vì số tiền này hàng tháng họ đã bị người sử dụng lao động trích từ lương”, nữ đại biểu nói.

Mặt khác, việc để người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, bà đề nghị trích từ quỹ bảo hiểm xã hội hoặc quỹ bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được hưởng chế độ sớm nhất. Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng để trả lại cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Luật Việc làm sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều