+
Aa
-
like
comment

Đề xuất lập ‘phường Đại học’ thuộc TP Thủ Đức

09/12/2020 20:32

Ông Lưu Đức Quang, giảng viên Luật, đề xuất thành lập phường “Đại học” thuộc TP Thủ Đức nhằm tạo cực phát triển về giáo dục, đào tạo và khoa học.

Ý kiến được Thạc sĩ Lưu Đức Quang (Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) nêu tại hội thảo bàn về triển vọng mô hình chính quyền TP Thủ Đức, do Đại học Luật TP HCM tổ chức ngày 9/12.

Ông Lưu Đức Quang, giảng viên Luật, Đại học Kinh tế - Luật nêu ý kiến tại hội thảo sáng 9/12. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ông Lưu Đức Quang, giảng viên Luật, Đại học Kinh tế – Luật, nêu ý kiến tại hội thảo sáng 9/12. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo ông Quang, với hơn 600 hecta và hơn 10 trường đại học, Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM được xác định là một trong 3 cực tăng trưởng của thành phố Thủ Đức, bên cạnh Khu Công nghệ cao và Khu đô thị, trung tâm tài chính Thủ Thiêm. Tuy nhiên, việc nằm trên địa bàn của hai tỉnh, thành phố (TP Dĩ An, Bình Dương và quận Thủ Đức, TP HCM) phần nào kìm hãm sự phát triển của khu đô thị này.

“Có những con đường làm mãi chưa xong vì bên này thuộc Dĩ An, bên kia là Thủ Đức, rất khó giải phóng mặt bằng. Việc đảm bảo an ninh trật tự, quản lý dân cư cũng phức tạp”, ông Quang nêu.

Theo giảng viên này, phường mang tên “Đại học” cũng tạo nên không gian để phát triển giáo dục, khoa học với cư dân phần lớn là giảng viên, sinh viên. Khi đó, việc quản trị đơn vị hành chính này sẽ mang tính đặc thù giáo dục đại học. Tiền lệ đơn vị hành chính “Đại học” ở Việt Nam là phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM nằm giáp ranh quận Thủ Đức, TP HCM và TP Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM nằm giáp ranh quận Thủ Đức, TP HCM và TP Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tại hội thảo, hơn 10 chuyên gia và 34 tham luận đã bàn về thể chế pháp lý, tổ chức hệ thống chính trị, xã hội và phân tích những thuận lợi, thách thức mô hình TP Thủ Đức trong tương lai.

PGS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, “thành phố thuộc thành phố” không phải là bước đột phá về tư tưởng bởi đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. TP HCM chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên thực hiện mô hình này.

TP Thủ Đức được sắp xếp lại từ ba quận 2, 9 và Thủ Đức, công việc của chính quyền có thể tăng gấp ba lần nhưng bộ máy, số lượng công chức, viên chức vẫn nằm trong biên độ. Theo ông Nhiêm, TP HCM phải đề xuất với Trung ương cho phép chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của TP Thủ Đức cao hơn cấp huyện.

Bàn về cơ cấu của HĐND TP Thủ Đức, Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà (Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật TP HCM) đề xuất ngoài ban Pháp chế và Kinh tế – Xã hội, cần thành lập ban Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ. Điều này là cần thiết trong bối cảnh xây dựng khu đô thị sáng tạo công nghệ cao, phát triển khoa học, giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, HĐND thành phố Thủ Đức cần có thêm ban Đô thị để giám sát, đôn đốc cơ sở hạ tầng, quy hoạch và xây dựng.

Do đặc thù “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”, bà Hà nêu nhiều yêu cầu đổi mới trong cơ cấu tổ chức HĐND TP Thủ Đức: đổi mới cách thức bầu cử, tăng số lượng đại biểu. “TP Thủ Đức trong tương lai cần được xác định là một cấp ngân sách nhà nước độc lập, có thẩm quyền trong phân cấp tài chính công”, bà Hà đề xuất.

TP Thủ Đức được lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Đồ hoạ: Thanh Huyền.
TP Thủ Đức được lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Đồ hoạ: Thanh Huyền.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM.

TP Thủ Đức sau khi thành lập rộng khoảng 211 km2, hơn 1,5 triệu người. Đây được xác định là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy thành phố và vùng Đông Nam Bộ phát triển.

Dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Mạnh Tùng/VE

Bài mới
Đọc nhiều