Đề xuất hỗ trợ kinh phí đổi xe máy cũ: Nghiên cứu kỹ tính khả thi
Trong mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc Hà Nội sẽ thực hiện đổi xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, đây mới chỉ là ý tưởng đề xuất của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). Hiện, lãnh đạo TP giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xem xét, nghiên cứu, báo cáo về nội dung này.
Mới dừng lại ở việc báo cáo Thành phố
Theo thông tin từ đại diện Sở TN&MT, thực hiện Phiếu giao việc số 1581/PC-VP ngày 10/7/2020 của Văn phòng UBND TP giao Sở TN&MT tham mưu về việc công văn số 10/2020/CV-VAMM/D ngày 3/7/2020 của VAMM đề xuất Chương trình hợp tác nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, thông qua việc thực hiện dự án Kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành. Ngày 5/8/2020, Sở TN&MT đã có buổi làm việc với VAMM, Sở GTVT và các đơn vị liên quan để trao đổi và làm rõ về chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP”.
“Đo kiểm khí thải xe máy là việc làm cần thiết để từ đó, TP có giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Vì vậy, qua cuộc họp với các bên liên quan, cùng với nghiên cứu tình hình thực tế và căn cứ vào các văn bản pháp lý hiện hành, Sở TN&MT đã có báo cáo TP về việc chấp thuận triển khai chương trình. Hiện, chương trình mới dừng lại ở việc báo cáo chứ chưa phải đã được TP chấp thuận.
Riêng về nội dung hỗ trợ đổi xe máy cũ cần phải tiếp tục xem xét, nghiên cứu, vì hiện nay chưa có quy chuẩn về khí thải xe máy, chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy như ô tô, hơn nữa TP đang có chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân nên không thể tùy tiện triển khai ngay được” – đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết.
Theo thống kê, Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Khí thải từ các phương tiện này bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí Cacbon oxit (CO), Hydrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác gia tăng theo thời gian, ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Kết quả nghiên cứu về phát thải từng nguồn gây ô nhiễm không khí của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được công bố năm 2019 cho thấy, khí thải từ xe máy phát thải 29% Nox; 65,4% NMVOC; 90% khí CO và 37,7% bụi.
Băn khoăn nội dung hỗ trợ kinh phí đổi xe máy cũ
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề nêu trên, TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, mặc dù Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành đã yêu cầu đến thời điểm ngày 1/1/2018 chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng, bao gồm cả xe mô tô, xe gắn máy.
Thế nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa thực hiện được vì chưa ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe máy; về kiểm soát khí thải, nguồn thải, Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT triển khai nhưng cũng chưa thực hiện được.
Do vậy, việc VAMM đề xuất TP Hà Nội triển khai thí điểm đo kiểm khí thải thải xe máy là việc rất đáng hoan nghênh. Từ đó, có khuyến cáo cho người sử dụng kiểm tra và bảo dưỡng xe máy, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
“Tôi cho rằng, mục tiêu của chương trình là rất tốt, vì Chính phủ cũng đã có chủ trương nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Song, tôi băn khoăn về nội dung hỗ trợ kinh phí đổi xe máy cũ cho người có nhu cầu (từ 2 – 4 triệu đồng/người). Thực tế những người đi xe máy cũ, thậm chí rất cũ đa phần đều là người nghèo nên khả năng có điều kiện để nhận 2 triệu đồng hỗ trợ để đổi mua một xe máy với trị giá từ 20 triệu đồng là rất hiếm. Do đó, nếu chương trình không nghiên cứu thấu đáo, tổ chức thực hiện hợp lý sẽ vô tình làm méo mó mục tiêu cao cả là đo kiểm khí thải để kiểm soát khí thải, thay vào đó vô tình lại làm truyền thông miễn phí cho các DN sản xuất, bán xe máy” – TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương tiến hành thí điểm đo kiểm khí thải xe máy. Tuy nhiên, để thực hiện về nội dung hỗ trợ đổi xe máy cũ, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ và quan tâm đến đối tượng bị ảnh hưởng để chương trình có tính khả thi và hiệu ứng tốt, nhất là khi Hà Nội đang thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân, cải thiện chất lượng không khí.
Theo UBND TP Hà Nội, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy đã sử dụng quá 18 năm đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, UBND TP yêu cầu Sở TN&MT Hà Nội tiếp tục xin ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị phối hợp thực hiện, báo cáo TP trước ngày 15/9/2020 để có phương án khả thi nhất.
Theo Báo cáo, Chương trình sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy trên địa bàn phục vụ việc đo khí thải. Dự kiến thí điểm tại 6 quận: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân. Cùng đó, lựa chọn 30 đại lý xe máy thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước năm 2002) với các cơ chế hỗ trợ khác nhau. Hỗ trợ dưới dạng hiện vật trị giá 300.000 đồng/người để hỗ trợ cho các xe đến kiểm tra khí thải và kinh phí hỗ trợ người muốn đổi xe máy theo chương trình (2 – 4 triệu đồng/người).
“Hiện nay, đa số những người sử dụng xe máy cũ để đi lại, chuyên chở là những người có thu nhập thấp. Chương trình này không chỉ hướng đến việc cải thiện môi trường mà còn hướng sự ưu tiên đến một số đối tượng cần được quan tâm trong xã hội. Việc đổi xe máy sang xe máy về bản chất vẫn là sử dụng động cơ đốt trong, cùng một tác nhân xả thải ra không khí.
Những chiếc xe theo thời gian cũ đi sẽ vẫn có hại cho môi trường, do đó cần tính toán dài hơi hơn. Do đó, thay vì hỗ trợ người dân đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới, TP có thể chỉ đạo các đơn vị tổ chức ưu tiên đổi sang những dòng xe thân thiện với môi trường hơn như xe điện.” – GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp trường ĐH GTVT
Thương Huế/KTDT