Đề xuất Hà Nội cách ly xã hội thêm 1 tuần
Theo đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia, chỉ còn Hà Nội nằm ở nhóm có nguy cơ cao về dịch Covid-19. TP.HCM ở nhóm có nguy cơ; 59 tỉnh, thành nguy cơ thấp.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 22/4, Ban chỉ đạo đã đề xuất phân loại lại các địa phương theo nhóm nguy cơ.
Trong đó, tiêu chí các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (F0) là yếu tố quan trọng quyết định phân loại địa phương theo nhóm nguy cơ.
Cụ thể, nhóm nguy cơ cao là địa phương còn ca mắc tại cộng đồng trong vòng 14 ngày; nhóm có nguy cơ là địa phương có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng thời gian từ 15 đến 28 ngày; nhóm nguy cơ thấp là địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng.
Trước đó một ngày, Thường trực Ban Chỉ đạo đã họp với các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp phân tích tất cả biến số tác động vào vấn đề lây nhiễm để từ đó phân tích các yếu tố nguy cơ cho từng tỉnh.
Ngoài ra, có văn bản xin ý kiến 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ để tổng hợp các tiêu chí và hoạt động kể trên.
Chủ tịch tỉnh được quyết định việc mở cửa hàng kinh doanh
Sau khi thống nhất, Ban chỉ đạo quốc gia đề xuất nhóm nguy cơ cao hiện chỉ còn Hà Nội. Nhóm nguy cơ gồm 3 tỉnh thành: TP.HCM, Bắc Ninh, Hà Giang. Các địa phương còn lại đều thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Với nhóm nguy cơ cao, Ban chỉ đạo đề xuất tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm 1 tuần (đến hết 30/4). Tuy nhiên, xin Thủ tướng cho phép chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Như vậy, Hà Nội sẽ là địa phương duy nhất dự kiến kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần.
Đối với nhóm có nguy cơ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố, tùy theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.
216/268 bệnh nhân được điều trị khỏi
Theo Ban chỉ đạo quốc gia, Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng đã góp phần quản lý được các trường hợp xâm nhập có thể bị bỏ sót khi cách ly toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam; hạn chế việc di chuyển và tập trung đông người của các trường hợp mắc phát hiện tại cộng đồng (như với ổ dịch tại Hạ Lôi, Mê Linh), từ đó đã ngăn chặn không để lây lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng.
Trong vòng 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 (từ 1/4 đến 15/4), hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ ghi nhận 32 trường hợp mắc mới tại cộng đồng trong tổng số 62 ca được phát hiện.
So sánh cùng khoảng thời gian trước đó (153 trường hợp mắc từ 16/3/2020 đến 31/3/2020), số trường hợp mắc giảm 59,5%, số mắc trung bình theo ngày giảm 6 trường hợp.
Các trường hợp mắc mới, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM bắt đầu có xu hướng chững lại từ sau 27/3 và giảm mạnh từ sau ngày 1/4. Đặc biệt, tính từ 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có 216 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 81% tổng số bệnh nhân); 52 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh. Ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây, 19 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 8 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).
Hoài Thu/ZN