+
Aa
-
like
comment

Đề xuất cân nhắc quy định ‘cấm người có nồng độ cồn lái xe’

rươụ bia - 10/11/2023 15:25

Theo một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là “quá nghiêm khắc và chưa phù hợp”.

Sáng 10/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.

Cơ quan thẩm tra – Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị cân nhắc nội dung này vì “quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương”.

Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, một số thành viên khác của Ủy ban lại nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì nội dung này đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

Cảnh sát đo nồng độ cồn người đi xe máy ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam) cho rằng cần tham khảo quy định các nước về vấn đề này. Ví dụ ở Phần Lan, lái xe được khuyến cáo nếu uống một chai bia phải nghỉ trong một tiếng, hai chai phải nghỉ ba tiếng, trước khi tham gia giao thông. Lượng chất kích thích này cũng chưa đủ tác động đến thần kinh và họ vẫn đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

“Dự thảo quy định cấm thì tối qua liên hoan, sáng hôm sau đo vẫn còn, việc này không thực tế vì cơ thể vẫn tỉnh táo, đảm bảo để chúng ta đi làm bình thường”, ông Huân nói.

Ông cũng cho rằng quy định quá chặt làm ngành công nghiệp rượu bia bị ảnh hưởng, tác động nguồn thu nhập của nhóm lao động phi chính thức. Vì vậy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị cân nhắc lại điều khoản này theo hướng quy định tỷ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cũng cho rằng nên nghiên cứu một tỷ lệ cho phép trong khí thở và trong máu của lái xe. “Không nhất thiết cứ có nồng độ cồn bị xử phạt. Luật các nước trên thế giới về cơ bản đều có tỷ lệ nhất định, ta cũng nên nghiên cứu”, ông đề xuất.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) đề nghị dự thảo quy định cấm lái xe “có nồng độ cồn” hay “có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”. Theo bà, cần thiết kế theo hướng xác định ngưỡng cho phép ở mức thấp.

“Quy định này cần có lộ trình cụ thể để người dân hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cũng cho rằng nếu quy định như dự thảo có thể không khả thi, nhất là với người sử dụng xe thô sơ như xe đạp, xích lô, xe kéo. “Tôi rất băn khoăn khi buổi tối người dân uống rượu, sáng hôm sau đi làm trong máu có nồng độ cồn vẫn vi phạm”, ông Hiệp nói, đề xuất quy định ngưỡng xử phạt.

Giữa năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định cấm Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Để thông qua được điều luật này, Quốc hội đã nhiều lần phải xin ý kiến đại biểu bằng cách biểu quyết. Ngày 3/6/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu về hai phương án có cấm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông hay không. Tuy nhiên, cả hai phương án đều không đạt trên 50% đại biểu tán thành.

Mười ngày sau, hôm 14/6, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội báo cáo trước Quốc hội, “tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Lý do là thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng. Bà kỳ vọng quy định cấm nêu trên sẽ tạo chế tài nghiêm khắc, thể hiện quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông. Sau đề nghị này, Quốc hội tiếp tục biểu quyết riêng điều luật này và nhận được 77,2% tán thành.

Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Đề xuất cấm hút thuốc khi lái xe

Theo Ủy ban Quốc phòng An ninh, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cấm, như: hút thuốc lá khi lái xe; bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông; xe ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, đèn ưu tiên không đúng mục đích hoặc khi không làm nhiệm vụ; hoạt động kinh doanh vận tải không đúng quy định, không đăng ký kinh doanh.

Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, phát biểu tại Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định một số nội dung mới. Đó là trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô.

Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện. Xe đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi; kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài; bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh.

Cơ quan soạn thảo đề xuất tổng thời gian lái xe trong một ngày của lái xe kinh doanh vận tải không quá 8 giờ. Cụ thể, từ 6h đến 22h, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 tiếng.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận dự án luật này vào ngày 24/11 và xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Bích Vân 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều