+
Aa
-
like
comment

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay, sẽ không còn vé 0 đồng

08/09/2021 11:50

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT áp mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa hiện tại từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-10-2022.

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay, sẽ không còn vé 0 đồng - Ảnh 1.
Mức giá trần và giá sàn theo đề xuất của Cục Hàng không – Dữ liệu: T.Phùng – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Theo mức giá sàn đề xuất, các đường bay nhóm IV như Hà Nội đi TP.HCM, Đà Lạt, Cam Ranh…; TP.HCM đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng… giá tối thiểu 640.000 đồng/vé 1 chiều.

Đường bay nhóm V như Hà Nội đi Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo giá tối thiểu 750.000 đồng/1 chiều (chưa gồm thuế phí). Sẽ không còn giá vé 0 đồng.

Tránh phá sản Vietnam Airlines…

Theo Cục Hàng không, hiện khung giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không (giá vé máy bay) chỉ quy định giá tối đa (giá trần), không có giá sàn.

Từ đầu năm 2020 đến nay ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng không bị đứt dòng tiền  thanh toán, đe dọa sự tồn tại của các hãng. Điều này dẫn đến các hãng liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế nhằm tạo dòng tiền.

“Về dài hạn, khi thị trường hàng không phát triển bình thường, theo thông lệ quốc tế, Cục Hàng không đề xuất quản lý giá vé máy bay nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết. Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng theo quy định của Luật cạnh tranh” – cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết.

Nhưng nhằm hỗ trợ giảm khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines), Cục Hàng không cho rằng việc quy định giá sàn các đường bay nội địa từ 1-11-2021 đến 31-10-2022 là cần thiết.

“Tác động rất lớn”

Theo Cục Hàng không, tháng 7-2021 Vietnam Airlines đã kiến nghị quy định mức giá tối thiểu nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines và góp phần bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, Vietnam Airlines kiến nghị mức giá sàn bằng 44% mức giá tối đa trong khung giá, thực hiện trong 36 tháng như kinh nghiệm Trung Quốc từng áp dụng trong giai đoạn 2004-2013.

Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng mức giá tối thiểu trên là cao, hạn chế việc đi máy bay của một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp… Vì vậy, cục đề xuất áp dụng giá sàn là 20% giá tối đa hiện nay, thời gian áp dụng 12 tháng.

Có thể kéo dài chính sách này nếu thị trường nội địa tiếp tục  khó khăn như năm 2021…

Trong thông báo phát ra chiều 7-9 về đề xuất trên, Bộ GTVT cho biết đây là vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của bộ là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học.  Bộ đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

Không phù hợp thông lệ quốc tế

Dù đề xuất như trên nhưng báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không thừa nhận giải pháp mang tính chất tình huống này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một số quốc gia đã từng quy định mức giá tối thiểu vé máy bay nội địa đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bán của các hãng hàng không. Do đó, họ đã bãi bỏ quy định giá sàn vé máy bay nội địa.

Nó cũng gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh; sẽ gặp phải những phản ứng từ người tiêu dùng… do làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận hành khách đi máy bay với những mức giá ưu đãi.

Với giá vé máy bay hạng phổ thông cơ bản, có Vietnam Airlines và Pacific Airlines đề xuất quy định giá tối thiểu. Vietjet đề xuất không áp giá sàn. Bamboo Airways đề xuất bỏ quy định Nhà nước định giá trên các đường bay khai thác bởi 3 hãng trở lên.

TUẤN PHÙNG

Bài mới
Đọc nhiều