+
Aa
-
like
comment

Đề xuất áo dài ngũ thân nam là lễ phục truyền thống Việt Nam

Hạ Băng - 31/05/2023 14:19

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại hội nghị, sự kiện, hướng đến xây dựng riêng bộ lễ phụ truyền thống cho người Việt.

Sáng 31/5, tham gia thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc khu du lịch Cửa Biển, Bình Định) mặc áo dài ngũ thân nam, đầu đội khăn xếp, cho biết đã mặc ba chiếc áo ngũ thân khác kể từ đầu kỳ họp.

Theo ông, áo dài ngũ thân có bốn thân ngoài tượng trưng tứ thân phụ mẫu ôm lấy một thân con tượng trưng người đang mặc áo. Điều này thể hiện tình thương của cha mẹ, nhắc nhở người mặc về chữ hiếu của người Việt. Năm cúc áo là ngũ thường gồm nhân, lễ, nghĩa, chí, tín, nhắc người mặc sống nhân nghĩa, ứng xử văn hóa.

“Tôi dự định mặc áo dài ngũ thân trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 hôm 22/5, để hát Quốc ca chào cờ, nhưng trong cẩm nang đại biểu quy định đại biểu nam mặc comple”, ông Cảnh nói.

Thời gian qua, có nhiều câu chuyện người Việt Nam đi dự hội nghị lớn ở nước ngoài có quy định khách mời mặc trang phục truyền thống hoặc comple phong cách châu Âu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định trang phục truyền thống trong ngoại giao, chỉ mặc vest có sẵn nên chưa đưa được bản sắc riêng đến bạn bè quốc tế, chưa chỉn chu như khách mời, người đồng cấp của nhiều đoàn khác. Nhiều đại biểu cũng mong muốn có bộ trang phục truyền thống dành cho hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao.

Vì vậy, ông Cảnh đề xuất Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân tại lễ chào cờ, các phiên họp, bên cạnh comple. Khi đó, Chính phủ và địa phương sẽ không cần rà soát, sửa đổi các quy định vấn đề này trong các văn bản dưới luật về mặc trang phục.

“Mặc áo ngũ thân không làm thay đổi quy định về mặc trang phục khác, không thay thế comple mà chỉ giúp đại biểu có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống trong hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao”, ông phân tích.

Đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân góc nhìn thực tế và thời gian để nhận thức rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài ngũ thân về lại với đời sống người Việt.

Ông mong các cơ quan hướng đến xây dựng riêng bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao nhà nước. Bộ lễ phục này sẽ giữ nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp các nước trong sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa quốc tế.

Dẫn câu nói của người xưa “văn hóa còn thì dân tộc còn”, ông Cảnh nói Việt Nam đã giữ được bản sắc văn hóa qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thời kỳ hội nhập, để không bị hòa tan thì phải giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt, trong đó trang phục là một phần của bản sắc văn hóa.

“Các nước xung quanh ta và trên thế giới phần lớn đều có lễ phục truyền thống. Đề án về trang phục truyền thống đến nay vẫn chưa được thông qua theo tôi một phần là do chưa có quy định cho mặc thí điểm để có nhiều thực tiễn”, ông nói.

Từ nhiều năm trước, các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa đã đề xuất Nhà nước xây dựng bộ lễ phục truyền thống Việt Nam. Năm 2013, GS, nhà văn hóa Trần Ngọc Thêm đề xuất dùng comple, áo dài nam và áo dài nữ là lễ phục nhà nước. Ông cho rằng bộ comple mạnh mẽ, áo dài mềm mại, dịu dàng là sự kết hợp của hiện đại và truyền thống. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có bộ lễ phục truyền thống quốc gia chính thức.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều