+
Aa
-
like
comment

Đề xuất 7 chiến lược chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9 tại TP.HCM

10/09/2021 09:34

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình đề xuất 7 chiến lược chống dịch Covid-19 tại TP sau ngày 15/9, trong đó có nội dung giãn cách xã hội gắn liền với “thẻ xanh Covid-19”.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa ký tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành chiến lược phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn sau ngày 15/9.

Theo nội dung công văn, Sở Y tế TP.HCM đánh giá trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với chủng Delta, số ca mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống điều trị, do đó số F0 nặng và tử vong cao.

TP đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ như thoàn thiện hệ thống điều trị tháp 3 tầng, triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà, xây dựng gói thuốc cho F0 tại nhà và sử dụng các thuốc mới trong điều trị, nhất là tăng nhanh độ phủ vắc xin. TP dự báo, sau ngày 15/9 số ca nặng và tử vong sẽ giảm.

Nhân viên Y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và các giải pháp can thiệp, dự đoán sau ngày 15/9 khả năng cao tình hình dịch bệnh của TP sẽ chuyển từ mức cao sang mức trung bình và sẽ kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Từ đánh giá đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất 7 các chiến lược trọng tâm trong giai đoạn này gồm:

1. Bao phủ vắc xin cho người dân sinh sống trên địa bàn TP

Tiến tới bao phủ 100% cho người trên 18 tuổi (đủ 2 mũi), trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai).

Tiến tới triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì) khi có nguồn cung.

2. Giãn cách xã hội gắn liền với “thẻ xanh Covid-19”

Từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội dựa trên đánh giá mức độ nguy cơ, số liệu giám sát dịch tễ và khả năng đáp ứng của ngành y tế để phục hồi sản xuất, cung ứng dịch vụ thiết yếu, lưu thông hàng hóa.

Phân loại các ngành nghề, đơn vị theo khả năng xuất hiện và bùng phát dịch, theo các tiêu chí an toàn để từng bước khôi phục hoạt động.

Sử dụng “thẻ xanh Covid-19” cho phép người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch.

3. Hiện thực hóa thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”

Xây dựng nội dung về thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”: Cung cấp kiến thức về dịch bệnh Covid-19 cho người dân về cách phòng ngừa, vắc xin, cách tự làm xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ, tự chăm sóc khi mắc bệnh và cách liên hệ với nhân viên y tế khi cần trợ giúp.

Thực hiện những biện pháp nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, chế độ dinh dưỡng, biện pháp tâm lý, các biện pháp không dùng thuốc kết hợp với y học cổ truyền. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền để nâng cao sự hiểu biết của người dân.

Đề xuất 7 chiến lược chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9 tại TP.HCM
Một thai phụ được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

4. Chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn phải quản lý được danh sách F0 trên địa bàn, sàng lọc đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở và được cấp phát đầy đủ túi thuốc (gói A, B và C).

Tư vấn, hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe mỗi ngày, nhân viên y tế tổ chức khám chữa bệnh từ xa và theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà đối với các trường hợp có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng. Kịp thời phát hiện và sơ cấp cứu các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, chuyển viện kịp thời, không để xảy ra trường hợp F0 tử vong tại nhà.

Nhân rộng mô hình hiệu quả về chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng. Có cơ chế và giải pháp để huy động tối đa mọi nguồn lực trong cộng đồng, bao gồm hệ thống y tế tư nhân tham gia chăm sóc F0 tại nhà.

5. Nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do Covid-19

Tiếp tục duy trì và nâng cao năng suất hoạt động, củng cố chất lượng điều trị của các cơ sở y tế trong hệ thống 3 tầng điều trị Covid-19 của TP. Bảo đảm nguồn nhân lực y tế có đủ về số lượng và có kiến thức chuyên môn cần thiết. Cung cấp đầy đủ thiết bị hồi sức tối thiểu theo phân tầng điều trị. Tăng cường tập huấn, hội chận, tư vấn điều trị từ xa, bảo đảm chuyển tuyến 2 chiều thông suốt kịp thời.

Tùy theo tình hình dịch bệnh, từng bước chuyển đổi dần các bệnh viện TP, quận, huyện trở về chức năng ban đầu để tiếp nhận và điều trị các bệnh lý không phải Covid-19. Đồng thời duy trì một số bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung điều trị khi dịch tái phát.

Đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người bệnh Covid-19 với quy mô số giường tối thiểu là 20 40 giường có oxy tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.

6. Giám sát dịch tễ để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát

Tổ chức xét nghiệm cho tất cả những trường hợp nghi ngờ Covid-19. Giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện kịp thời các chùm ca bệnh mới trong cộng đồng. Điều tra, truy vết khi phát hiện ca F0 không rõ nguồn gốc, kiểm soát và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới.

Giám sát định kỳ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên giao hàng, tài xế, công an… và vùng nguy cơ cao ít nhất mỗi 7 ngày.

7. Phục hồi hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân

Củng cố nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở, nhất là trạm y tế, tiếp tục duy trì mô hình trạm y tế lưu động gắn liền với tổ Covid-19 cộng đồng, tổ dân phố.

Tái cấu trúc bộ máy, cơ sở vật chất để có thể sẵn sàng đảm bảo 2 chức năng: điều trị các bệnh lý không Covid-19 và bệnh lý Covid-19.

Chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực hồi sức, chuyên khoa nhiễm bên cạnh việc tiếp tục triển khai các mũi nhọn chuyên sâu của ngành y tế TP.

Có cơ chế để hệ thống y tế tư nhân có thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

Tú Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều