Để Việt Nam mơ giấc mơ ‘hóa rồng, hóa hổ’
Muốn biến thành “rồng”, thành “hổ”, bản thân con thỏ vừa phải chạy nhanh, chạy bền và quan trọng hơn, phải tự thay đổi về chất, về lượng.
Trong nhiều đánh giá, nhận xét về tình hình kinh tế xã hội của đại biểu tại hội trường Quốc hội ngày 30/10 có một góc nhìn mà sau đó không ít chuyên gia cho là “trên trời” vì không gắn với đời sống dân sinh bức xúc, thiết thực của người dân.
Đó là góc nhìn của đại biểu Hoàng Quang Hàm về nỗi lo tụt hậu của Việt Nam so với thế giới.
Ông Hàm nhận xét, cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu Đổi mới và Mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người là 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến nay, năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD.
Xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đó tăng qua các năm. Năm 2017 khoảng cách là 8.300 USD, năm 2018 là 8.400 USD.
Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng hóa hổ”, ông nói.
Đánh giá của ông Hàm trên thực tế là một cảnh báo đầy trăn trở và nghiêm túc chứ không phải “trên trời”, như có không ít người nhận xét. Nó khá tương đồng với nhiều bài báo trên Tuần Việt Nam về tình trạng tụt hậu khi đánh giá theo số tuyệt đối cho dù có nguyên tắc Việt Nam cứ tăng trưởng cao hơn so với một nước nào đó kéo dài thì sẽ hội tụ chứ không phải doãng ra.
Nhưng rõ ràng, trong các thời kỳ nhảy vọt trước đây, khi mới Đổi mới với tiềm năng của người dân được bung ra hết cỡ, thì tăng trưởng của Việt Nam còn thua xa các quốc gia khác ở cùng hoàn cảnh.
Báo cáo của Trường Đai học Kinh tế Quốc dân đóng góp vào văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII cho biết, kết quả tăng trưởng của Việt Nam đạt được thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh như Việt Nam đạt được. Nếu xét trong 30 năm (từ 1991 đến 2020), tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 7,14%, thì Hàn Quốc, trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, xấp xỉ 4 thập niên từ 1961 2000, tăng trưởng trung bình năm đạt khoảng 8%, và ở Nhật Bản, giai đoạn từ 1955 đến 1973 con số này là 9,4%/năm.
So với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh như Việt Nam hiện nay, mức đạt được của VN còn thấp. Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng nhanh (1955-1973) là 7,5%/năm, của Hàn Quốc là 6,5%/năm, trong khi đó của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 chỉ đạt 5,1%/năm.
Bên cạnh đó, cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam thể hiện tính lạc hậu công nghệ: Đóng góp của nhân tố TFP chỉ chiếm 26,1% (giai đoạn 2011 2018) trong khi đó các nước đang phát triển mức trung bình đạt được là xấp xỉ 40%.
So với mục tiêu kinh tế đặt ra trong Chiến lược 2011-202, Trường Đại học Kinh tế kết luận: “Việt Nam đã không thực hiện mục tiêu đặt ra trong Chiến lược 2011-2020 đối với lĩnh vực kinh tế cả mặt số lượng và chất lượng”.
Kinh tế phát triển kém sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về xã hội, môi trường và nhiều lĩnh vực khác, trong số đó, chống biến đổi khí hậu là một ví dụ.
Theo nghiên cứu của Climate Central công bố ngày 29/10/2019 trên tạp chí Nature Communications, thủy triều cao có thể vĩnh viễn nhấn chìm diện tích đất nơi sinh sống của 31 triệu người Việt Nam thay vì 9 triệu dư tính toán trước đây.
Cảnh báo này không mới so với tính toán của Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2007, và Việt Nam đã có nhiều quan tâm để đối phó với nó nhưng chưa hiệu quả. Nước ngập do triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nặng hơn, dày hơn là biểu hiện rõ nhất.
Để đối phó với điều kinh khủng này, chúng ta phải có nguồn lực kinh tế, có kỹ năng, kỹ thuật,… mà tất cả các yếu tố đó chỉ có được khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Chống biến đổi khí hậu chỉ là một ví dụ đơn lẻ cho thấy, phát triển kinh tế quan trọng như thế nào.
Nhưng còn quá nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh, hạn chế người dân và doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, kinh doanh. Trong báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tiếp tục tụt một bậc, ở mức 70. Đây là tín hiệu không tích cực khi Việt Nam đã đi những bước cải cách lớn nhưng các quốc gia cạnh tranh khác còn đi các bước dài hơn, nhanh hơn.
Chợt nhớ một nhận xét của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, rằng trong các thảo luận chiến lược 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, rất nhiều người cho rằng tăng trưởng của Việt Nam chỉ loanh quanh 7%/năm.
“Người ta muốn thỏa hiệp! Số người muốn thay đổi ít quá! Mà không làm khác thì ta không thể tăng trưởng 8 – 9%/năm được”, ông nói.
“Cứ nói tình hình thế giới biến động, khó khăn, các nước tăng trưởng 8 – 9% giai đoan trước cũng vậy cả, làm gì có tình hình thế giới thuận lợi cho cả một giai đoạn như thế”.
Ông cho rằng nếu không nỗ lực bứt phá thì ngay cả việc duy trì được mức tăng trưởng 7% cũng không phải dễ.
“Vấn đề của ta nằm ở hiệu quả sử dụng nguồn lực. Trọng tâm cải cách nên dồn vào đó. Nếu nâng cao được hiệu quả thì với tổng nguồn lực hiện nay, ta có thể tăng trưởng như thiên hạ. Và để tăng hiệu quả thì không gì khác ngoài thị trường, thị trường và thị trường. Thị trường hơn sẽ hiệu quả hơn.
“Ta hãy tháo trần tư duy. Ta có nghị quyết hay lắm, không có gì nói hay hơn nữa. Bao nhiêu thứ thế giới có, ta đều có. Nhưng quan trọng nhất là tháo trần tư duy để hành động. Nếu không tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ chuyển triệt để và nhất quán sang kinh tế thị trường thì ngay cả kịch bản số 0 cũng khó đạt”, ông Cung bình luận.
“Con đường cải cách là thị trường, thị trường và thị trường hơn nữa”, ông nói một cách tha thiết.
’Nhìn tổng thể trong hơn 3 thập kỷ Đổi mới, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào top đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm nhưng lại đi được những bước dài hơn.
Hơn 30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, “hóa rồng, hóa hổ”, nhưng 30 năm qua chúng ta tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra trong các văn kiện từ nhiều năm trước nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi.
Như ông Hàm nói, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng hơn hết để làm được các mục tiêu trên, cần đổi mới mạnh mẽ và, gắn giáo dục đào tạo với yêu cầu của thực tiễn.
Còn nếu không làm được, như Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo, vị thế thua kém của Việt Nam trên trường quốc tế là vấn đề nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết có thể gây hậu quả lớn cho nền kinh tế, xã hội và môi trường.
Nối ví von, cho dù chạy những bước dài với tốc độ cao, thì con thỏ không thể nào đuổi kịp những con “rồng”, con “hổ”. Muốn biến thành “rồng”, thành “hổ”, bản thân con thỏ vừa phải chạy nhanh, chạy bền và quan trọng hơn, phải tự thay đổi về chất, về lượng.
(Theo Tư Giang/Vietnamnet)