+
Aa
-
like
comment

Đề Văn Việt Nam có thực sự kém cỏi so với đề văn Trung Quốc?

08/07/2020 12:17

Năm nào, cứ đến những đợt thi Văn học ở Trung Quốc, thì một số cư dân mạng Việt Nam bắt đầu lôi những đề thi bên đó để bắt đầu một quá trình phê phán, đả kích, châm biếm nước mình. Kiểu như “những đề văn của Trung Quốc mang đậm tính đa chiều, suy nghĩ và chiêm nghiệm, còn những đề Ngữ Văn ở Việt Nam thì gói gọn trong vài chữ quen thuộc, kiểu như cổ hủ, lạc hậu, giáo điều, sáo rỗng”.

Nhiều người đặt câu hỏi kiểu như là:
– Đề thi Ngữ Văn của Việt Nam cần phải cải cách.
– Cần học tập Trung Quốc trong khâu đổi mới, sáng tạo, thời sự trong phong cách làm đề thi và chấm thi.
– Giáo dục Việt Nam cần phải như giáo dục Trung Quốc.

Một số người muốn giáo dục Việt Nam như giáo dục Trung Quốc, một số người lại muốn như Nhật Bản, số khác lại mong rằng như Mỹ hay phương Tây. Vậy rốt cuộc là phải làm thế nào?

Trước khi so sánh với Trung Quốc, cần phải biết rằng kì thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc là kì thi cạnh tranh gắt gao bậc nhất thế giới. Trong hàng chục triệu học sinh ứng tuyển, chỉ có 2% học sinh trở thành sinh viên của những trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Những hình ảnh hàng chục triệu cha mẹ Trung Quốc tháp tùng thí sinh, rất nhiều trường hợp tự tử và tâm thần vì áp lực học tập, những đống sách vở cao hơn người… có đầy trên Google hay Baidu. Hay đơn giản hơn là xem những bộ phim về thời niên thiếu của Trung Quốc, mình xin ví dụ bộ phim “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta”, các bạn sẽ biết rằng, ở Trung Quốc, cuộc chiến vào các trường đại học khắc nghiệt như thế nào…

Chính vì thế, những đề thi Văn ở Trung Quốc rất khó, rất hình tượng mà mang tính phân loại vô cùng cao. Vì chỉ có khó hẳn mới loại được phần đông thí sinh và chọn ra được 2% học sinh có trình độ vượt trội để vào các trường hàng đầu.

Hiện nay, kì thi THPT Quốc Gia tại Việt Nam được tổ chức rút gọn đi rất nhiều, áp lực thi cử cũng giảm so với những năm còn duy trì thi riêng kì thi tốt nghiệp và kì thi đại học. Gánh nặng định kiến xã hội về việc “bắt buộc phải vào đại học” cũng nhẹ dần, các thí sinh không nhất thiết phải chọn con đường vào đại học, cha mẹ cũng không bắt ép con em mình và các học sinh cũng thoải mái với nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, những tấm bằng ở những trường đại học hàng đầu Việt Nam không phải là lời khẳng định chắc chắn rằng: “Bạn sẽ nghiễm nhiên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”.

Do đặc trưng kì thi THPT Quốc Gia có hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học, vì thế, phần lớn bài thi sẽ tập trung vào phần cảm thụ văn học. Phần còn lại, vào khoảng 2 – 4 điểm tùy năm, sẽ chứa những nội dung nghị luận xã hội.

Nếu muốn những đề văn kiểu như Trung Quốc ấy, thì phải cải cách lại toàn bộ hệ thống giáo dục, vì không thể tự nhiên mà “đẻ” ra được những đề văn như thế. Mà cải cách giáo dục là việc làm hệ trọng, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, từ lớp hiện tại đến những lớp học sinh tương lai, từ học sinh đến cha mẹ, từ giáo viên cho đến nhà trường… Mà cải cách có phù hợp không? Khi Trung Quốc tập trung vào điển tích, cổ văn… còn chúng ta lại đi theo một hướng khác.

Và một câu hỏi khác, áp dụng rập khuôn giáo dục Trung Quốc có tốt không? Có thể tốt, vì Trung Quốc là một nền giáo dục tân tiến. Vậy, tiếp tục suy ngẫm nhé, giáo dục phương Tây, ví dụ như Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Anh, Hà Lan, Thụy Sĩ… có tốt không? Tốt chứ, chắc chắn rồi, chẳng ai phê phán được nền giáo dục phương Tây cả. Vậy Việt Nam có nên áp đặt giáo dục phương Tây vào không?

Người thì chọn giáo dục Trung Quốc, người thì ưng giáo dục phương Tây, vậy rốt cuộc là chọn cái gì? Và những đề Văn của Việt Nam, có thực kém cỏi, giáo điều, sáo rỗng hay không?

Hàng loạt học sinh Trung Quốc tự tử vì áp lực thi đại học

Nếu muốn những đề thi chuyên sâu hơn, đa chiều hơn, kích thích tư duy hơn, thì xin mời đến với kì thi riêng của một số trường đại học hàng đầu, ví dụ như trường ĐH Quốc Gia Hà Nội hay Đại học FPT… Tại ĐH Quốc Gia Hà Nội, các thí sinh tham gia xét tuyển dựa trên một bài luận về các chủ đề liên quan đến văn học, kinh tế, tự nhiên, xã hội… Thông qua bài luận, ĐH Quốc Gia Hà Nội sẽ “đánh giá khả năng tư duy logic, khả năng cảm nhận thế giới khách quan và xúc cảm của người viết luận”.

Hay như Đại học FPT, những bài viết luận được trải dài qua nhiều chủ đề đơn giản, gần gũi nhưng vẫn rất hiền triết. Từ những chủ đề như “hạnh phúc của bản thân hay hi sinh để mang lại hạnh phúc cho người khác”, “làm những gì mình thích hay làm những gì mình không thích”, “thành quả của khát vọng hay quá trình theo đuổi khát vọng”.…

Hay, nếu cần tham khảo thêm những đề Văn “hại não” khác, có thể tìm đến các đề thi tuyển chọn học sinh giỏi của các tỉnh thành phố trên cả nước. Ví dụ như năm 2020, Hải Phòng ra đề thi tuyển sinh học giỏi, trong đó bàn về “vẻ đẹp của hoa bằng lăng khi bị lãng quên” và “yêu những điều không hoàn hảo”.

Hoặc đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm nay tại TPHCM ra đề liên tưởng từ “ATM gạo” đến “sáng tạo và yêu thương” trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra, câu còn lại của đề bài là liên kết các tác phẩm Truyện Kiều, Ánh Trăng – Nguyễn Duy, Bếp Lửa – Bằng Việt rồi viết về tình yêu thương và thời gian.

Đề thi học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 2 câu ngắn chưa đầy nửa trang A4, nhưng trong đó nổi cộm hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên là “kết nối và chặn”, vấn đề thứ 2 là “văn chương có giá trị và tiếng nói cá nhân”. Nghe có “hại não” không? Có “ngầu” không?

Rồi đề thi học sinh giỏi Văn cấp Quốc Gia năm học 2019 – 2020, thì gần như lược bỏ toàn bộ phân tích văn học truyền thống và triển khai dạng luận. Câu đầu tiên, mượn lời của Inamori Kazuo để nói về “sự tử tế”, câu thi thứ hai, nói về việc áp lực tinh thần và vượt qua những áp lực đó.

Những đề văn Trung Quốc, nếu đọc qua thì thực sự văn hoa, chiêm nghiệm, từ ngữ trau chuốt, lịch thiệp. Nhưng những đề văn ở Việt Nam, lại mang tính thời sự, chính trị, xã hội rất sâu sắc.

Những cách ôn thi “quái dị” của học sinh Trung Quốc

Năm 2014, những thí sinh khối C được làm bài thi nghị luận về “sức mạnh chân chính của mỗi người và cũng như của mỗi quốc gia” thông qua mối liên hệ đến tác phẩm Đời Thừa của Nam Cao. Cần nhớ rằng, đúng năm đó, Việt Nam và Trung Quốc “căng như dây đàn” trong vụ việc liên quan đến giàn khoan. Việc đề Văn năm ấy đề cập thẳng thừng đến sức mạnh cá nhân và sức mạnh quốc gia nhằm tăng đại đoàn kết dân tộc, khẳng định Việt Nam không bao giờ chịu nhún nhường trong vấn đề Biển Đông.

Năm 2018, những tiêu điểm xã hội chú ý vào luật Đặc khu và luật An ninh mạng thì đề Văn của kì thi THPT Quốc Gia nói về “sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước”. Năm 2018, lần đầu tiên cụm từ: “Make in Vietnam” ra đời, cũng từ năm đó, lần lượt những sản phẩm xe hơi Việt, điện thoại Việt, công nghệ 5G Việt được cho ra mắt, cũng từ năm 2018, Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu lớn về ngoại giao, chính trị, kinh tế, xã hội… Đó chính là “tiềm lực đất nước”, là điều mà thế hệ trẻ cần biết, cần hiểu và cũng vô cùng xứng đáng, nóng hổi khi được đưa vào đề thi.

Phải đồng ý rằng những đề Văn của Trung Quốc rất hay, nhưng những đề Văn ở Việt Nam cũng không hề kém cạnh. Thậm chí, những gì mà các đề văn của Việt Nam truyền tải, còn mang những hàm ý thời sự, chính trị, xã hội nóng hổi hơn và bao quát hơn như mình đã nói ở trên.

Nhưng chúng ta cứ mải mê, ca ngợi những gì ở nước bạn, mà chẳng bao giờ chịu tìm hiểu, đào sâu, khơi gợi những gì hay ho ở nước mình, rồi cứ tự nhục, cứ ca thán, cứ bâng quơ.

Tiffosi

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều