Để vận tải hàng hóa “luồng xanh” thực sự xanh
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhấn mạnh việc tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh trong hoạt động vận tải để từng bước góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Thời gian qua, nhằm đảm bảo ổn định sản xuất lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, ngành giao thông vận tải đã đẩy mạnh tổ chức hoạt động vận tải “luồng xanh” đối với các phương thức vận tải khác nhau. Tới nay, đã tạm thời khắc phục được những bất cập, tắc nghẽn trong lưu thông vận tải đường bộ. Tiếp đó, ngành giao thông vận tải đang đẩy mạnh hơn nữa hoạt động vận tải đường thủy, hàng hải và đường sắt để lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang mới đây đã có cuộc làm việc với hãng tàu CMA-CGM – hãng tàu lớn thứ 3 thế giới. Mục tiêu là để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kết nối trong vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, tham gia chuỗi dịch vụ Logistics toàn cầu tới đây ngày một hiệu quả hơn. Hãng tàu CMA-CGM đã cam kết không tăng giá cước vận tải từ nay đến đầu tháng 2 năm sau đối với hàng hoá Việt Nam. Bên cạnh đó, các chính sách quản lý giá, phụ thu và hoạt động của các đại lý đã được điều chỉnh, theo hướng tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển nhanh chóng, chi phí phù hợp.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, “luồng xanh” cho ngành vận tải logistics vẫn chưa thực sự xanh. Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), 100% doanh nghiệp, hiệp hội khẳng định việc cung ứng hàng hóa diễn ra đặc biệt khó khăn trong đợt bùng dịch lần thứ 4 này. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải đau đầu với đủ thứ quy định, giấy phép con mà các địa phương nghĩ ra. Nào là phải có giấy xét nghiệm âm tính để được thông chốt. Rồi giấy vận tải (hoặc giấy vận chuyển) đủ các nội dung địa chỉ đi, đến, hành trình vận chuyển và nơi dừng nghỉ dọc đường. Hay câu chuyện dở khóc dở cười khi xe chở tã bỉm, băng vệ sinh bị chặn đường buộc phải quay đầu vì “không phải là mặt hàng thiết yếu”… Nguyên nhân là do các yêu cầu khác nhau giữa các địa phương khác với hướng dẫn từ trung ương.
Chính vì vậy, Nghị quyết 105 đã ra đời, với trọng tâm yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; Không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; Không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh….
Ngoài ra dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đang xem xét những chính sách nhằm hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn đang bị tác động tiêu cực của dịch. Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển; Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển. Chống tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, các hiệp hội, đơn vị liên quan nâng cao năng lực đàm phán, công khai, minh bạch về giá cước và phụ thu ngoài giá cước dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.
Với những giải pháp kịp thời, linh hoạt, cụ thể của Nghị quyết 105, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tin tưởng, sẽ sớm vượt qua đại dịch, đưa cuộc sống của người dân về trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất, giúp doanh nghiệp giữ vững chuỗi sản xuất, cung ứng, để phát triển kinh tế bền vững.
Diệu Hương