+
Aa
-
like
comment

Để tránh một cuộc phong tỏa mới

03/08/2020 08:22

Đây là giai đoạn ngắn ngủi, nhạy cảm và khó khăn để đưa ra các quyết định cân não, sống còn trong việc phòng dịch và duy trì mở cửa kinh tế.

Giai đoạn nhạy cảm

“Anh nghĩ có phong tỏa tiếp không?” một doanh nhân bạn tôi cứ tha thiết hỏi. Anh vừa ra quyết định khó khăn bậc nhất trên đời: đóng công ty. Sau đợt giãn cách xã hội tháng Tư, anh đã cố cầm cự, cho nhân viên ở nhà làm bán thời gian và mới khởi động lại được hơn tháng thì gặp cú sốc Covid-19 lần này. Nhưng hi vọng đã tắt, tất cả các hợp đồng đào tạo đến cuối năm đã bị các đối tác hủy.

Những câu hỏi tương tự như thế và nhiều hơn được biết bao người quan tâm suốt cả tuần qua kể từ khi trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng.

Tôi không biết câu trả lời. Tôi nghĩ không ai biết kể cả những người có trách nhiệm. Dù đã có các kịch bản nhưng câu trả lời sẽ còn phụ thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh trên thực tế và năng lực xử lý, nhất là của ngành y tế. Đây là giai đoạn ngắn ngủi, nhạy cảm và khó khăn để đưa ra các quyết định cân não, sống còn trong việc phòng dịch và mở cửa kinh tế.

Để tránh một cuộc phong tỏa mới
Đồn Biên phòng Hướng Lập, tỉnh Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương, trung tâm y tế xã Hướng Lập và Hướng Việt phát tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch tới từng gia đình ngày 2/8. Ảnh: Vĩnh Phan

Các tỉnh thành, sau khi được phân cấp “tùy diễn biến dịch mà áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp” đã đưa ra các chính sách mềm dẻo, linh hoạt hơn như chỉ cấm quán bar, karaoke, trà đá… dù vẫn theo đuổi phương thức chống dịch quyết liệt là truy vết và cách ly. Mặt trận kinh tế và chống dịch đã khá hài hòa và nhuần nhuyễn.

Rõ ràng, kinh nghiệm xử lý trong tháng Ba, Tư vừa rồi đã được rút ra rất hợp lý. Trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan toàn cầu, chúng ta không thể miễn nhiễm trước con virus đó và cần chấp nhận thực tế đó, tất nhiên, ở mức độ thế nào. Ý của tôi là vẫn phải có can thiệp, chế ngự chứ không phải để lây lan tự nhiên như nhiều người lo ngại.

Nhiều người nói với tôi, phải chống dịch bằng mọi giá. Cuộc sống sinh hoạt không bị giãn cách, các hoạt động kinh tế dần trở lại trong 99 ngày không virus là một giá trị mà ai cũng muốn được hưởng. Ngân hàng Thế giới khẳng định, qua ước tính thống kê về giá trị cuộc sống, thành quả đạt được ước bằng khoảng 15 tỷ USD, nghĩa là cao hơn nhiều so với tổn thất về GDP phát sinh đến thời điểm này hoặc thậm chí theo dự báo cho cả năm 2020. Ai chả muốn như vậy, tất cả người dân ở đất nước này.

Nhưng nay thì tình hình đã khác. Trong báo cáo vừa công bố, vẫn Ngân hàng Thế giới nhìn nhận: “Có lẽ còn quá sớm để đánh giá hiệu quả chống Covid-19 của Việt Nam”. Đây là một nhận xét thẳng thắn nhưng khách quan.

Những thống kê trên thế giới cho thấy, tới 80% người mang virus nCoV có biểu hiện nhẹ hoặc không có biểu hiện. Theo báo cáo thống kê của ngành y tế tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì về Covid-19 hôm 29/3, có tới hơn 60% bệnh nhân không có triệu chứng khi phát hiện mắc Covid-19. Thời gian ủ bệnh tới 14 ngày mà  lại không có triệu chứng thì thật quá khó để phát hiện trong cộng đồng, như ở Đà Nẵng là ví dụ. Mà các ca nhiễm được phát hiện chỉ là ánh xạ của quá trình lây nhiễm đã diễn ra trước đó từ 5-14 ngày, thậm chí còn lâu hơn. Điều này gây khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh, nhất là việc lây lan trong cộng đồng, như Ban Chỉ đạo dịch Covid-19 từng nhận xét.

Toàn dân đeo khẩu trang

Mấy hôm nay, sau khi dịch bùng ở Đà Nẵng và đe dọa loang ra, tôi thường lang thang trên phố, trong các nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện, thang máy để nhìn nhận thực tế cuộc sống. Điều tôi thấy là gì? Mọi người đều đeo khẩu trang. Ai ai cũng đã tự giác phòng tránh bệnh dịch.

Trước đây, không ít người còn chưa tin, trong đó có tôi, khi nghe khuyến cáo: “Toàn dân phải đeo khẩu trang”. Nhưng giờ thì gần như toàn dân đeo khẩu trang. Phải thể chế hóa điều này để chống dịch. Nhận thức là một quá trình; và từ đầu năm đến giờ là quá đủ để hình thành nhận thức và thói quen. Chúng ta phải sống trong trạng thái bình thường mới với việc đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách khi tiếp xúc.

Đa số không đồng ý mở cửa trường khi dịch mới bắt đầu nhưng lại cũng đa số đồng ý mở cửa trường để con em đi học lại khi dịch bệnh tràn lan nhất trên thế giới. Thực tế là con em chúng ta có sao đâu, không một ca lây nhiễm nào trong trường học được phát hiện!

Các nhà khoa học nói, hệ miễn dịch của chính ta mới cứu chính ta khỏi virus. Hệ miễn dịch của bọn trẻ đang hình thành và đang chiến đấu chống lại đủ mọi virus, vi khuẩn nên khi có thêm nCoV thì chính hệ miễn dịch đó sẽ chống lại con virus mới này rất hiệu quả, hơn hẳn người có tuổi cao hơn.

Để tránh một cuộc phong tỏa mới
Người dân đến test nhanh tại điểm y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội 

Tất nhiên, có nhóm người dễ tổn thương trước virus, nhất là những người già và những người có bệnh nền. Nhóm người đó cần tự bảo vệ và được bảo vệ. Ý tưởng “cách ly” nhóm người dễ tổn thương này quả là không tệ để phòng và chống dịch theo đúng nghĩa.

Một chuyên gia kiến nghị, phải lập tức xây dựng quy trình chuẩn để bảo vệ người già và những người có bệnh nền để thực hiện ở tất cả các cấp độ: cá nhân (bản thân các cụ), gia đình (con cháu), cộng đồng, tổ chức và chính quyền. Trên cơ sở đó, phổ biến cho toàn dân, đồng thời thị trường hoá/xã hội hoá công tác bảo vệ các cụ khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Thực hiện việc này tốt không những bảo vệ được các cụ mà còn giúp cắt đi nguồn lây lan của virus, khiến nó không có cơ hội phát triển và lây lan sang cho những đối tượng khác ở các nhóm tuổi thấp hơn. Đồng thời, sẽ giúp giảm tải cho hệ thống vì nguồn lực để chăm sóc một ca nhiễm tuổi các cụ lớn gấp nhiều lần so với ca ở độ tuổi ít rủi ro hơn, và thời gian điều trị cũng lâu hơn.

Trên thế giới văn hóa khác nhau, nhận thức khác nhau nên cư xử với virus khác nhau. Ý niệm “thân thể ta, ta tự quyết định” khá phổ biến ở thế giới văn minh, nơi người ta ý thức rất rõ về dịch bệnh, về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ở Pháp có tỷ lệ dân không muốn tiêm vắc xin, nếu có. Ở Mỹ còn biểu tình chống phong tỏa. Thậm chí có cả phong trào chống vắc xin trên thế giới. Hôm qua, ở Đức còn có biểu tình quy mô lớn đòi chấm dứt công bố dịch bệnh. Chính phủ nhiều nước phải trả tiền để mua sự tự do, để người dân ở nhà để thực hiện phong tỏa.

Song ở các quốc gia châu Á như Việt Nam chúng ta, nơi nền tảng xã hội, văn hóa và hệ thống y tế khác với phương Tây, thì không tư duy và hành động như thế. Chúng ta vẫn phải chống dịch quyết liệt, nhưng hài hòa với mở cửa cho các hoạt động kinh tế. Hy vọng có vắc xin đang tràn trề nhưng vẫn còn ở thì tương lai và cũng đầy rủi ro.

“Sống chung với Covid-19”

Tôi vừa đọc được báo chí trích dẫn Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ: “Tôi nghĩ nếu kết hợp các biện pháp y tế hiệu quả, miễn dịch cộng đồng ở quy mô toàn cầu và vắc xin tốt, chúng ta có thể kiểm soát Covid-19, có thể là trong năm nay hoặc năm sau, tôi không dám chắc. Nhưng tôi thực sự không thấy viễn cảnh Covid-19 sẽ biến mất”. Virus sẽ không biến mất mà sẽ ở lại với loài người vĩnh viễn đó là thực tế mà nhiều nhà khoa học khác trên thế giới đã nói.

Để tránh một cuộc phong tỏa mới
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra tại chốt kiểm soát phòng chống dịch của xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Vĩnh Phan

Trong ngày cuối cùng của tháng 7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi mọi người hãy học cách “sống chung với Covid-19” và chiến đấu chống lại dịch bệnh bằng mọi công cụ đang có trong tay.  Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, tác động của dịch bệnh sẽ kéo dài trong nhiều thập niên tới đây.

Ngày 1/8 là thời điểm hiệp định EVFTA có hiệu lực, là niềm hy vọng, là cơ hội cho biết bao doanh nghiệp Việt Nam và EU. Nhiều ý kiến từ phía bạn muốn chúng ta đón các chuyến bay để doanh nhân, chuyên gia EU sang đầu tư và làm việc. Đó là sức ép rất lớn. Liệu chúng ta có làm được không?

Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo mới công bố, đưa ra khuyến nghị đặc biệt. Đó là cân nhắc gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, bắt đầu với các quốc gia an toàn với Covid-19. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch, hiện đóng góp khoảng 10% cho GDP của Việt Nam. Đó cũng là hướng hành động quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và chuyên gia kỹ thuật. Tất nhiên, mở cửa có quản lý. Họ gợi ý, hướng hành động như vậy đòi hỏi phải theo dõi thận trọng vì mở cửa nền kinh tế phải được thực hiện sao cho không gây nguy hại cho những thành quả y tế đạt được đến thời điểm này.

Giai đoạn 99 ngày vừa qua đã qua rồi, với số các ca dương tính ngày càng tăng. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn về điều đó để lựa chọn những tình huống xấu ít hơn, và có giải pháp phù hợp chứ không thể miễn nhiễm hoàn toàn với virus này.

Chúng ta nói “phòng, chống” dịch, nhưng khi không có vắc xin thì “chống” thế nào? Vẫn là tự cơ thể chúng ta mà thôi! Vì thế, vẫn phải “phòng” là chính và bảo vệ những nhóm dễ tổn thương. Người dân cần tự giác phòng dịch, không chủ quan, không ỷ lại các cơ quan chính phủ. Phòng dịch là trách nhiệm của mọi công dân, không trừ bất kỳ một ai, để bảo vệ mình và người thân và tránh được một đợt phong tỏa toàn diện.

Tư Giang/VNN

Bài mới
Đọc nhiều