Để thu hút ‘đại bàng’ vào làm tổ
Liệu chúng ta có tận dụng “thời cơ vàng” để thu hút các luồng vốn FDI “đại bàng” cho phát triển?
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang gặp phải áp lực khá nặng nề với việc lựa chọn thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lĩnh vực mà ông phụ trách. Một mặt, các chính sách liên quan phải được công khai, minh bạch, bình đẳng và không phân biệt đối xử để biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn và yên tâm hơn cho luồng vốn FDI dịch chuyển sau đại dịch. Mặt khác, ông phải chịu trách nhiệm về những dòng vốn đầu tư “chui”, “núp bóng” đe dọa đến an ninh quốc phòng và “gây lo lắng trong nhân dân”.
“Chúng tôi có yêu cầu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” khi xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong dự thảo Luật Đầu tư… Ban soạn thảo đưa ra một số điều kiện để kiểm soát chặt chẽ theo hướng sẽ có những vấn đề thuộc diện cấm, số khác thì đưa vào quy trình thẩm định nghiêm ngặt”, ông Dũng nói với phóng viên về những quy định chặt chẽ hơn về cấp phép đầu tư trong Luật Đầu tư sửa đổi đang được xem xét tại kỳ họp Quốc hội trong nỗ lực làm dịu dư luận.
Cách đây đúng một năm, khi dòng vốn FDI từ Trung Quốc bắt đầu gia tăng mạnh do tác động của thương chiến Mỹ Trung và thu hút sự chú ý rất lớn của người dân, nhiều phóng viên đã tìm ông bên hành lang Quốc hội để hỏi quan điểm của ông về làn sóng chuyển dịch này. Ông Dũng nói một cách thẳng thắn: “Tôi cho đây là chuyện hết sức bình thường. Vì thế giới đang chứng kiến cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nên nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng để tránh sự trừng phạt của Mỹ”.
Kể từ đầu năm cho đến thời điểm cuộc phỏng vấn đó diễn ra, Trung Quốc đã rót gần 7,1 tỷ đô vào Việt Nam, vượt qua số vốn của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore, những nhà đầu tư luôn giữ vị trí quán quân ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Trong đó có một số dự án lớn như dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ đô la tại Hà Nội; Dự án Công ty Techtronic Tools (Hồng Kông) đầu tư 650 triệu đô la xây dựng nhà máy sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu đô la tại Tây Ninh.
Kết thúc năm 2019, Hồng Kông đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ đô la; đầu tư từ Hồng Kông tăng 2,4 lần, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần so với cùng kỳ 2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét: “Đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung”.
Đó là một nhận xét khách quan và chân thực. Song rõ ràng, một năm qua, từ kỳ họp Quốc hội trước đến kỳ họp lần này, có sự thay đổi trong lời nói của Bộ trưởng, trong luật pháp và chính sách.
Nói như vậy không phải để phân biệt đối xử mà để cảnh báo tình trạng cấp phép ở những vị trí nhạy cảm về an ninh, về làn sóng dịch chuyển đang hướng đến nước ta.
Đầu tư ngày càng gia tăng
Bộ Quốc phòng, trong một báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, cho biết, hiện có 134 doanh nghiệp có vốn Trung Quốc đang hoạt động, 15 doanh nghiệp đã ngưng triển khi với tổng diện tích gần 162.468 ha bao gồm khu vực biên giới đất liền 943,7ha và khu vực biên giới biển 5.393,7ha kể cả mặt biển. Tổng vốn đầu tư cam kết lên đến gần 31 tỷ đô la Mỹ.
Ông Trần Đình Thiên nói: “Người Việt Nam có thực sự muốn thoát lệ thuộc hay không, có dám chịu trả giá để có nền kinh tế tự chủ, tự cường, tất cả là do chúng ta cả. Không có “ông bạn vàng” nào sẵn lòng giúp ta việc đó. Đã đến lúc ta phải “thoát ta”.
Trong số đó, đáng lưu ý trên địa bàn khu vực biên giới biển Thành phố Đà Nẵng có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND thành phố tại các vị trí như dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp,… chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2015.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, vốn FDI từ Trung Quốc bao gồm Hồng Kong lên tới gần 888 triệu đô la, chiếm hơn 13% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Tỷ trọng vốn FDI của Trung Quốc tính cả Hồng Kông đã tăng từ 8% năm 2012 lên 10% năm 2019.
Những con số trên cho thấy, ngày càng nhiều dự án FDI từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam do thương chiến. Các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của ta. Đa số các nhà đầu tư này nhập khẩu nguyên liệu từ quốc gia của họ về đây để gia công rồi xuất khẩu đi ra các thị trường khác, gây rủi ro chứ không phải mang lại phồn vinh cho nền kinh tế này.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận xét, trong hàng chục năm nay, nền kinh tế Việt Nam, không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ do quen nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc – vừa rẻ, vừa sẵn, vừa tiện. “Thế là chúng ta có một nền công nghiệp “ăn sẵn”, thiếu hụt nền tảng, chỉ gia công, lắp ráp”, ông Thiên bình luận. “Việt Nam có bứt phá được hay không phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta”, ông nói.
Câu hỏi liệu có thoát được cái bẫy đó hay không rất khó trả lời, nhưng phải khẳng định: tự ta cả thôi, tất cả tùy thuộc vào lựa chọn của chính chúng ta. Người Việt Nam có thực sự muốn thoát lệ thuộc hay không, có dám chịu trả giá để có nền kinh tế tự chủ, tự cường, tất cả là do chúng ta cả. Chả có “ông bạn vàng” nào sẵn lòng giúp ta việc đó. “Đã đến lúc ta phải “thoát ta” rồi”, ông Thiên khẳng định.
Ông cho rằng, nền kinh tế này phải thoát khỏi phụ thuộc bên ngoài, nhưng sẽ là không thực tế nếu chúng ta không xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ. Vậy bây giờ tự Việt Nam phải tạo ra công nghiệp hỗ trợ, và phải nhờ FDI giúp tạo được công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Muốn vậy phải thu hút các nhà đầu tư lớn, bằng cách chúng ta phải có năng lực tối thiểu, phải làm một môi trường thể chế công khai minh bạch. Hiện nay khả năng di chuyển đầu tư rất mạnh, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đầu tư khác và rất quyết liệt.
Vốn FDI đã leo lên hàng đầu
Sau 33 năm kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài được phê chuẩn năm 1987, Việt Nam đã thu hút một lượng vốn FDI rất đáng kể cho phát triển kinh tế.
Cho đến cuối năm 2019, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 363 tỷ đô la. Trong đó, vốn thực hiện đạt gần 212 tỷ đô la, chiếm hơn 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Riêng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 38 tỷ đô la, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 20,4 tỷ đô la, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Những con số đó cho thấy, nguồn vốn FDI – thường được ưu ái về nhiều mặt đang ngày càng chiếm thị phần áp đảo trong nền kinh tế với hơn 70% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo tính toán của ông Thiên, tăng trưởng GDP trung bình trong giai đoạn 2011-2020 ước đạt 6,35%/năm, trong khi đó khu vực kinh tế nhà tăng trưởng trung bình 4,45%, kinh tế tư nhân trong nước 6,63% và doanh nghiệp FDI tới 9,44% trong cùng giai đoạn. Ông Thiên nói: “Bức tranh trên cho thấy, khu vực FDI đang có mức tăng trưởng vượt trội hơn doanh nghiệp tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước”.
Có nhiều số liệu để minh họa cho nhận định trên.
Trong năm 2019, các dự án FDI đã giải ngân được gần 20,4 tỷ đô la (hơn 469.000 tỷ đồng) là gần gấp đôi so với vốn đầu tư công giải ngân khoảng 255.088 tỷ đồng tính đến 15/12/2019. Cũng trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị gần 15,5 tỷ đô la, tăng 56,4% so với cùng kỳ 2018.
Nguồn vốn FDI – thường được ưu ái về nhiều mặt đang ngày càng chiếm thị phần áp đảo trong nền kinh tế với hơn 70% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp.
Vốn FDI thực hiện 211,78 tỷ đô trong hơn 30 năm qua là ngang ngửa với tài sản nhà nước hơn 7,79 triệu tỷ đồng (gồm: tổng nguồn vốn của Nhà nước là trên 4,65 triệu tỷ đồng; tổng nợ Nhà nước phải trả là 3,14 triệu tỷ đồng). Tất nhiên, các con số đưa ra so sánh là khập khiễng vì con số 7,79 triệu tỷ đồng không phản ánh toàn bộ giá trị tài sản nhà nước của quốc gia, nhưng đặt cạnh nhau để hàm ý vốn FDI là rất lớn trong nền kinh tế.
Liệu khu vực đó có tác động như thế nào đến kinh tế trong nước theo nghĩa cải thiện năng lực quản trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị? Hay đến nay, các khu vực này vẫn độc lập và chia tác với nhau?
Trong khi khó trả lời một cách định lượng thì có một vấn đề định tính được đặt ra: Ai càng to thì tiếng nói càng mạnh!
Lựa chọn phía trước
Trước khi đại dịch diễn ra, nhiều chủ trương về thu hút FDI đã được định hình lại dưới tác động của thương chiến Mỹ Trung.
Lần đầu tiên sau hơn 33 năm thu hút FDI, vào tháng 8/2019, Đảng đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW để đưa ra định hướng cho thu hút luồng vốn này. Trong đó có yêu cầu bên hành pháp nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Đó là yêu cầu rất khó định lượng.
Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phải thiết kế lại Luật Đầu tư mà nhiều doanh nghiệp cho là đã bất cập về nhiều nguyên nhân để đáp ứng yêu cầu đó. Bộ trưởng Dũng nhận xét, Luật Đầu tư hiện hành chưa có chính sách cụ thể và Bộ không thể quản lý được toàn bộ các dự án FDI ở dưới cơ sở. Ông nói thẳng: “Luật là bình đẳng cho tất cả mọi lĩnh vực, thành phần. Luật không phân biệt đối xử người này với người kia, nước này, nước kia. Những lĩnh vực cần nhà nước quản lý thì nhà nước dùng các công cụ bằng cách khách nhau để quản lý chặt chẽ vấn đề đó. Có những cái không thể đưa thành luật được”.
Tuy nhiên, ông nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành một chỉ thị mới, trong đó có cả vấn đề người nước ngoài thuê, mua đất.
Thực tế trên và các cam kết trong hơn 14 FTAs đã ký kết cho thấy, sẽ rất khó luật hóa các quy định về đất đai, đầu tư để chặn dòng FDI không mong muốn vì không thể ban hành những chính sách riêng, phân biệt đối xử hay ưu đãi đặc biệt với bất kỳ nhà đầu tư nào.
Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 12,3 tỷ đô la Mỹ. Con số này dù giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cho thấy đây là điểm sáng trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đang lao đao vì đại dịch.
Chống dịch đặc biệt thành công đã làm các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn. Nhật Bản đã quyết định chi hơn 2 tỷ đô la để chuyển các doanh nghiệp của mình ra khỏi Trung quốc và nhằm đến các nơi khác, nhất là tại Đông Nam Á trong khi Mỹ đang xúc tiến thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bao gồm Mỹ và 6 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Nhưng liệu chúng ta có tận dụng “thời cơ vàng” để thu hút các luồng vốn FDI “đại bàng” cho phát triển?
Tư Giang/VNN