+
Aa
-
like
comment

ĐỂ QUÁ KHỨ KHÔNG LÀM CHỦ TƯƠNG LAI

30/04/2025 06:00

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, tiếng vọng từ lịch sử không chỉ nhắc nhở về một chặng đường đã qua, mà còn đặt ra câu hỏi về cách chúng ta đi tiếp. Trong bài viết “NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định mạnh mẽ rằng: hòa giải và hòa hợp không chỉ là biểu hiện của lòng nhân đạo, mà là lẽ sống còn của một dân tộc từng chia cắt, nay cùng hướng về tương lai. Vấn đề đặt ra: vì sao hòa hợp dân tộc – điều tưởng như mang tính đạo lý – lại trở thành một điều kiện cốt lõi cho tương lai đất nước?

Tổng Bí thư Tô Lâm Tô Lâm gặp mặt nhóm tri thức Houston vào tháng 9/2024

Đối mặt với lịch sử

Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều dân tộc vượt qua hố sâu chia rẽ bằng các mô hình hòa giải hiệu quả. Sau khi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc, Nam Phi thiết lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải (Truth and Reconciliation Commission), nơi những người từng gây tội ác có thể thú nhận để được khoan hồng – một mô hình đặt nền tảng trên sự đối thoại, thừa nhận quá khứ và hướng tới tương lai. Tại châu Âu, nước Đức sau Thế chiến II lựa chọn cách thức phục hồi dựa trên sự thật lịch sử và cải cách toàn diện tư tưởng, trong đó yếu tố “Vergangenheitsbewältigung” – đối mặt với quá khứ – trở thành chiến lược văn hóa – chính trị lâu dài. Tại châu Á, Indonesia, Hàn Quốc hay Campuchia cũng từng bước xây dựng hòa hợp xã hội sau khủng hoảng chính trị bằng con đường cải cách thể chế, đối thoại cộng đồng và phát triển giáo dục công dân.

Việt Nam, với đặc thù lịch sử là một đất nước thống nhất sau một cuộc chiến kéo dài và khốc liệt, đã lựa chọn một mô hình hòa giải dân tộc đặc biệt: kết hợp giữa khoan dung chính trị và bao dung xã hội. Ngay sau chiến thắng năm 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nhấn mạnh rằng “chiến thắng đó không phải của riêng ai, mà của cả dân tộc Việt Nam”. Từ đó, nhiều chính sách trọng điểm được ban hành: cải tạo kinh tế không mang tính phân biệt vùng miền, chính sách khoan hồng với người từng phục vụ chính quyền Sài Gòn, và đặc biệt, từ thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước liên tục nhấn mạnh đến vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài như một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.

Hòa hợp không phải là quên lãng

Tuy nhiên, quá trình hòa hợp không chỉ là vấn đề chính trị hay pháp lý. Nó đòi hỏi một sự chuyển hóa sâu sắc về tâm lý cộng đồng. Những vết thương từ chiến tranh – cả về tinh thần lẫn nhân sinh quan – không dễ gì xóa nhòa bằng các tuyên bố hay nghị quyết. Trong một bộ phận nhân dân, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở hải ngoại từng gắn bó với chế độ cũ, mặc cảm và tâm lý xa cách vẫn tồn tại. Thậm chí, ngay trong nước, vẫn còn những biểu hiện định kiến vùng miền, sự vô thức tập thể chưa được hóa giải hoàn toàn.

Chính trong bối cảnh đó, việc xây dựng hòa hợp dân tộc không đồng nghĩa với việc làm lu mờ quá khứ hay áp đặt một dạng “lịch sử thống nhất”, mà là hướng đến sự chấp nhận đa dạng trong cùng một khung giá trị chung. Đây chính là nơi các yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam – như lòng nhân ái, sự khoan dung trong lịch sử dân tộc – cần được phát huy như chất keo nối liền các tầng lớp, thế hệ và vùng miền.

Nhìn về phía trước

Nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, những bước tiến trong hòa giải dân tộc là không thể phủ nhận. Trong nước, các chính sách bình đẳng về vùng miền, tiếp cận giáo dục, y tế và công bằng kinh tế đã phần nào làm mờ đi những khác biệt lịch sử. Đồng thời, chính sách đại đoàn kết dân tộc đã mở rộng tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài, từ việc khẳng định kiều bào là một phần máu thịt không thể tách rời đến khuyến khích đầu tư, đóng góp trí tuệ và văn hóa về quê hương. Nhờ đó, một dòng chảy hội tụ đã hình thành, góp phần làm lành vết thương quá khứ. Tuy nhiên, các thách thức vẫn tồn tại. Một bộ phận không nhỏ người thuộc “phía bên kia” vẫn duy trì sự xa cách về mặt tâm lý đối với chính quyền hiện tại, trong khi một số kênh truyền thông cực đoan ở hải ngoại tiếp tục khai thác chia rẽ lịch sử như một công cụ chính trị. Điều này chỉ ra rằng hòa hợp dân tộc không thể chỉ dừng lại ở chính sách. Nó đòi hỏi một chuyển hóa sâu sắc trong nhận thức cộng đồng, và vì vậy, việc tích hợp giáo dục lịch sử, văn hóa đối thoại, và tạo dựng không gian công cộng cởi mở là điều kiện tiên quyết để hóa giải mọi chia rẽ.

Hòa giải không thể là một chiến dịch nhất thời, càng không thể chỉ dựa vào cảm xúc. Đó là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi bản lĩnh chính trị, chiều sâu văn hóa và sự bền bỉ trong hành động. Không phải là sự lãng quên quá khứ hay để hận thù chi phối niềm tin, hòa giải là chấp nhận khác biệt, vượt qua những vết thương cũ và cùng nhau kiến tạo một tương lai chung, nơi sự đồng thuận trở thành sức mạnh kết nối.

Hải Lan

Bài mới
Đọc nhiều