+
Aa
-
like
comment

Để phòng dịch, Việt Nam không mở cửa du lịch bằng mọi giá

04/05/2020 11:27

Sau thời gian giãn cách xã hội, hàng nghìn người đổ về một số điểm du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Mở cửa du lịch trở lại là điều tất yếu, nhưng nhiều chuyên gia và nhà quản lý lo ngại nguy cơ tiềm ẩn khi người dân lơ là phòng dịch.

Để phòng dịch, Việt Nam không mở cửa du lịch bằng mọi giá

ÐÁNG NGẠI

Khác biệt của kỳ nghỉ lễ năm nay ở chỗ, không phải điểm du lịch nào cũng quá tải, cháy phòng và dịch vụ bị đẩy giá. Đà Nẵng cho phép tắm biển, tuy nhiên do đường bay hạn chế nên lượng khách giảm hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Một loạt điểm du lịch và nghỉ dưỡng biển nổi tiếng như Khánh Hòa, Vũng Tàu vẫn trong tình trạng cấm tắm biển, du khách đìu hiu. Khánh Hòa cho phép tắm biển trở lại từ 4/5, trước đó một số điểm tham quan và di tích như nhà thờ đá, tháp bà Ponagar mở cửa trở lại nhưng vẫn yêu cầu khách giữ khoảng cách an toàn.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, lượng khách về các điểm tham quan năm nay chỉ bằng 10% cùng kỳ. Mỗi ngày Ninh Bình đón khoảng chục nghìn lượt khách, chủ yếu là người trẻ còn khách cao tuổi thưa vắng do e ngại. Một số ít khách quốc tế là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hoặc khách mắc kẹt do COVID-19.

Khoảng 35 nghìn lượt khách về Quảng Bình mấy ngày qua, trong đó hơn một nghìn khách quốc tế. Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình nhận định cơ bản là khách nội tỉnh, khách lẻ từ Hà Nội và một số địa phương lân cận, chủ yếu đi theo nhóm nhỏ, khách gia đình nên sử dụng dịch vụ cao cấp từ 3 sao trở lên, hoặc một số cơ sở nghỉ dưỡng đắt tiền ở khu vực Phong Nha. Quảng Bình cũng đề ra loạt biện pháp phòng chống dịch tại các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch.

Bên cạnh những nơi thưa vắng, một vài điểm vẫn hút hàng nghìn người đổ về một số điểm, gây ùn tắc. Thanh Hóa ban đầu chỉ mở cửa các điểm tham quan, sau quyết định cho phép tắm biển. Ngày đầu nghỉ lễ, Sầm Sơn đã đông nghẹt người. Hàng nghìn người san sát trên bãi biển, không khẩu trang bảo vệ nơi công cộng chẳng khác nào thời không dịch bệnh.

Đà Lạt cũng là một trong những điểm nóng kỳ nghỉ lễ. Khoảng 60 nghìn người về thành phố mộng mơ. Dẫu chỉ bằng 65% mọi năm theo đánh giá của ngành du lịch địa phương, tuy nhiên số du khách đủ lấp đầy nhiều khu danh lam thắng cảnh như quanh chợ Đà Lạt, hồ Xuân Hương, thung lũng Tình yêu, vườn hoa thành phố.

Chưa trở lại thời bình thường, nhưng mấy ngày nghỉ lễ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cũng đông đúc. Ngày 30/4, một số tuyến đường Hà Nội, nhất là cửa ngõ phía Nam ùn tắc hàng cây số. Người dân không di chuyển xa đổ ra chật kín một số không gian công cộng ở trung tâm. “Tình trạng này không ổn chút nào, bởi thế giới và ngay cả Việt Nam vẫn còn nhiều nguồn lây nhiễm và tái phát. Nhiều người chủ quan, đi từ thái cực sợ hãi và nghiêm túc chấp hành phòng chống dịch chuyển sang vui vẻ quá, dễ dẫn tới mất kiểm soát”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch nhận định.

Không chủ quan với dịch

Ninh Bình mở cửa trở lại loạt di tích, danh lam thắng cảnh và điểm tham quan nổi bật như Tràng An, Bái Đính, Vân Long, Cúc Phương. “Tuy nhiên chúng tôi yêu cầu nguyên tắc số một là phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách lẫn người lao động”, ông Mạnh nói. Khách đến các khu du lịch, điểm tham quan đều phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn. Các điểm đến đều được khử khuẩn và trang bị nước sát trùng cho du khách. Ngay đò thuyền ở Tràng An cũng đảm bảo duy trì tối đa 4 khách/thuyền đối với nhóm gia đình hoặc đi chung, đối với khách lẻ chỉ ba người.

“Nếu lơ là không khéo sinh chuyện ngay và du lịch lại mất mát, chính vì thế ngành du lịch và những người làm du lịch đều có ý thức cao thực hiện quy trình chống dịch”, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình nói. Quảng Bình đang thực hiện một loạt giải pháp để phục hồi du lịch. Ông Phong cho biết, trước mắt Sở trình UBND tỉnh giảm phí, lệ phí, giá và dịch vụ môi trường rừng để doanh nghiệp có thể giảm giá sâu một số sản phẩm cao cấp chủ yếu phục vụ khách quốc tế nay chuyển hướng sang khách trong nước.

Muốn đưa du lịch trở lại, các chuyên gia và người làm du lịch đều xác định phát triển du lịch nội địa trước, sau đó mới tính tới phục hồi thị trường quốc tế sau khi công bố hết dịch. “Việc có khách nội địa là cần thiết, nhưng không phải bằng mọi giá. Hội đồng tư vấn du lịch dự kiến sớm đề xuất Chính phủ đưa ra nhãn hoặc biển chứng nhận điểm tham quan, khách sạn, công ty du lịch, lữ hành, đơn vị vận chuyển đạt chuẩn phục vụ khách mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch. Nếu chúng ta cứ mở cửa tràn lan có thể dẫn tới hậu quả khôn lường: Chẳng may có ca lây nhiễm bệnh mới ở những điểm, khu du lịch thì khách sẽ sợ và ác cảm với điểm đó. Vì thế bên cạnh việc hút khách, các địa phương cần quan tâm phòng chống dịch, đặc biệt có bộ phận giám sát và xử lý vi phạm”, ông Hoàng Nhân Chính phân tích.

Không mở cửa du lịch bằng mọi giá - ảnh 1
Tràng An (Ninh Bình) thưa vắng dịp nghỉ lễ. Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các UBND quận, huyện, tổ chức, cá nhân quản lý điểm tham quan, du lịch tại các địa bàn được hoạt động trở lại (trừ Mê Linh, Thường Tín) thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đảm bảo cho khách quốc tế: trang bị phòng hộ cho nhân viên, nhắc nhở khách đeo khẩu trang và sát khuẩn, thường xuyên khử trùng tại các điểm tham quan.

NGUYÊN KHÁNH/TT

Bài mới
Đọc nhiều