+
Aa
-
like
comment

Để những kẻ phạm tội giả tâm thần không còn có “bùa hộ mệnh”, “kim bài miễn tử”

Phạm Minh Hà - 20/04/2020 11:41

Theo hồ sơ, trong vụ án này, bị can Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2008 – 2011) vì có quan hệ tình cảm với bị can Nguyễn Thị Thanh Thúy (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm và công ty Lavenue) nên đã ký nhiều văn bản, chỉ đạo cấp dưới và các cơ quan liên quan chấp thuận cho công ty của bà tham gia đầu tư, giao đất, cho thuê đất trái pháp luật.

Hành vi của ông Tài cùng đồng phạm đã phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Theo kết luận điều tra bổ sung, hậu quả, thiệt hại với ngân sách nhà nước (NSNN) là hơn 4,7 tỷ đồng; số tiền NSNN chưa thu được do hành vi giao đất, cho thuê đất trái quy định của các bị can là hơn 248 tỷ.

Bà Lê Thị Thanh Thuý (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và công ty CP Đầu tư Lavenue) không còn cơ hội thoát án vì giả bệnh tâm thần

Tháng 12/2019, sau quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả hồ sơ vụ án yêu cầu làm rõ hàng loạt vấn đề như bỏ lọt tội phạm, giám định tâm thần đối với bị can Thúy, xác minh tài sản của các bị can để kê biên…

Hồi tháng 2, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án trong đó có yêu cầu giám định tâm thần bị can Thúy.

Cơ quan điều tra đã đưa bà Thúy đi trưng cầu giám định tâm thần. Mới đây, ngày 14/4 Viện Pháp y tâm thần Trung ương có kết luận: “Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội từ tháng 8/2010 đến hết tháng 1/2011, bị can Lê Thị Thanh Thúy không có bệnh tâm thần”.

Theo kết luận, tại thời điểm giám định bị can chỉ bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại là giai đoạn hưng cảm nhẹ và theo phân loại của bệnh Quốc tế lần thứ 10/1992 thì bệnh có mã số F31.0 và cá nhân bà Thuý đang ở giai đoạn thuyên giảm.

Chính vì thế, ở tại thời điểm trên bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, vì thế không thuộc diện áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Như vậy, cơ quan điều tra kết luận: Tại thời điểm trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm ban hành bản kết luận điều tra bổ sung này, bị can không mắc bệnh tâm thần, không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.

Với kết quả giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương , cơ quan điều tra giữ nguyên kết luận điều tra và cho thấy việc xử lý tội phạm công tâm, không có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Có thể nói, trong xã hội hiện nay có không ít kẻ phạm tội, bình thường hống hách, bất chấp pháp luật, bất chấp mọi thủ đoạn để làm việc ác. Nhưng đến khi bị khởi tố về các sai phạm thì lại vờ như bị tâm thần, mua các giấy tâm thần nhằm trốn tránh tội danh phạm tội của mình.

Thực tế cho thấy, không ít những trường hợp bị can, bị cáo sau khi phạm tội thường được xác định tâm thần, với hành vi “né tội” đầy bất ngờ. Trong nhiều năm qua, dư luận đã đặt ra câu hỏi: tại sao ngày càng có nhiều trường hợp sau khi phạm tội, đặc biệt phạm tội về kinh tế lại “nhanh chóng” tâm thần và hoá điên. Và tại sao nhiều vụ trọng án giết người nhưng không thể xử lý bởi đối tượng trình ra bệnh tâm thần có xác nhận của bệnh viện.

Giấy xác nhận tâm thần được coi như “bùa hộ mệnh”, “kim bài miễn tử” của những bị can, bị cáo này chính là điều khiến cơ quan điều tra không thể tiến hành các biện pháp tố tụng ngay lập tức, mà phải đưa đối tượng tới trung tâm giám định về tâm thần.

Năm 2018, Công an TP Hà Nội đã khám phá đường dây làm bệnh án tâm thần giả cho đối tượng phạm tội hình sự có sự tham gia của hai cán bộ y tế đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ngay lập tức Công an TP Hà Nội đã có công văn về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, có hành vi “tâm thần giả” sau khi phạm tội, sau khi gây án.

Theo cơ quan công an TP. hà Nội, hành vi của các đối tượng là nhân viên, cán bộ y tế trong vụ việc làm giả bệnh án tâm thần mới bị phát hiện, không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tạo điều kiện để đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành.

Triệt phá đường dây mua bán hồ sơ tâm thần giả và sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên y tế, không những vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Mà còn là hành vi bao che, tạo điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành.

Trong những năm qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an đã và đang có biện pháp tăng cường quản lý các đối tượng tâm thần. Những tình trạng làm giả bệnh án tâm thần, những người tiếp tay trong cơ quan y tế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như thế, những tội phạm xâm hại đến lợi ích quốc gia, gây nguy hiểm cho xã hội sẽ không còn có cơ hội giả tạo, sống giả để phạm tội. Điều này cũng sẽ giúp cơ quan điều tra thực hiện truy tố các tội danh phạm tội có phần thuận lợi hơn.

Quay trở lại việc tự cho mình là tâm thần và đòi giấy chứng nhận tâm thần đối với bà Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch Cty Hoa Tháng Năm và Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Lavenue) là điều không thuyết phục.

Không ai chấp nhận một chủ tịch HĐQT của một công ty lớn, tham gia vào dự án nghìn tỷ, đến khi “ngã ngựa” bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và truy tố về những sai phạm, thì lại mắc tâm thần là điều hết sức vô lý.

Sự nghiêm minh của pháp luật và chặt chẽ của cơ quan giám định tâm thần ở cả nước, sẽ khiến những kẻ phạm tội không còn cơ hội để hòng thoát tội. Và hơn hết là đòi hỏi chính sách khoan hồng thể hiện tại sự nhân đạo của pháp luật nhà nước.

Bà Lê Thị Thanh Thúy không còn cơ hội thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật và cũng không thể cố tình giả vờ điên, hoặc “chạy” hồ sơ bệnh án đã mắc phải bệnh tâm thần để kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử thi hành án.

Phạm Minh Hà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều