+
Aa
-
like
comment

Để người Việt không bị bắt nạt trên chính quê hương của mình

An Diễm - 28/09/2022 14:41

Hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc đồng thời hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Chúng ta đã thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất và họ đã có nhiều đóng góp, nâng tầm kinh tế nước ta. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cùng sự nỗ lực cống hiến của các nhân lực người Việt, mà đông đảo trong số đó là các công nhân cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho các công ty này. Nhưng đôi khi, những cử chỉ thân thiện này của người Việt Nam đã bị lợi dụng, dẫn đến hiện tượng có một số công ty hay quản lý nước ngoài chèn ép, bắt nạt người Việt.

Thông báo sa thải kèm hình ảnh cây kéo cắt cổ người đàn ông trên bảng tin công ty Liyama Seiki.

Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao vụ việc tại Công ty TNHH IIYAMA SEIKI Việt Nam (KCN VSIP Hải Phòng). Có hai công nhân công ty này đã nộp đơn xin nghỉ việc đúng quy trình và được chấp thuận, nhưng sau đó phía Công ty lại dán thông báo sa thải kèm theo hình ảnh bạo lực (hình chiếc kéo cắt đầu) công khai trên bảng tin công ty khiến nhiều công nhân bức xúc. Được biết đây là hành động do giám đốc người Nhật Bản của công ty trực tiếp thực hiện. Ngay sau sự việc xảy ra, tập thể người lao động công ty cũng đã có đơn kiến nghị báo cáo việc bị ông giám đốc này chèn ép, đối xử không đúng với luật pháp Việt Nam khi thường xuyên vào nhà vệ sinh chụp ảnh công nhân đưa lên các nhóm nội bộ công ty; Tự ý ra vào phòng nghỉ của công nhân trong giờ nghỉ để kiểm tra, gây mất giấc ngủ và quyền riêng tư của công nhân…

Hành vi phản cảm như của ông giám đốc này rất có thể là không hiếm, với số lượng hàng nghìn công ty nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam. Đôi khi sẽ có người bao biện rằng các công ty này đến từ một nền văn hóa khác cho phép như vậy, và các hành vi như vậy là để quản chế công nhân tốt hơn. Nhưng cần biết rằng khi mời gọi các công ty này đến đất nước ta thì người Việt Nam đã đối xử thân thiện hết mức có thể, từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, cho đến sự nỗ lực học hỏi, cống hiến của công nhân lao động. Mối quan hệ nào muốn bền vững cũng phải xuất phát từ thiện ý của cả hai phía. Sự ưu đãi, thân thiện của người Việt giúp các công ty này yên tâm đầu tư, sản xuất, thu lợi nhuận, vậy thì họ phải có trách nhiệm “nhập gia tùy tục”, tôn trọng văn hóa và con người Việt Nam.

Cuộc họp giữa giám đốc công ty và người lao động có sự chứng kiến của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng ngày 26.9

Trong làn sóng bức xúc dữ dội những ngày qua, nhiều người cho rằng thật mỉa mai khi đây là công ty Nhật Bản, giám đốc là một người Nhật Bản. Trong quan niệm lâu nay, người Việt thường cho rằng người Nhật Bản là những người văn minh nhất, lịch thiệp nhất và luôn luôn khiêm tốn cúi đầu trong giao tiếp. Ấy vậy mà một giám đốc và công ty đến từ nền văn hóa đó lại làm ra những hành vi như vậy, thử hỏi nếu là những công ty và và giám đốc đến từ các nền văn hóa khác thì có bao nhiêu công nhân sẽ bị đối xử tệ bạc và xúc phạm? Và những người công nhân chăm chỉ, thành phần không nhỏ trong đại bộ phận lao động Việt Nam liệu có đáng phải chịu những hành vi như vậy?

Sau khi công nhân lên tiếng, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã kịp thời vào cuộc và nay ông giám đốc đã chính thức gửi thư xin lỗi, trong đó thừa nhận hành động của mình là “thô lỗ”. Hi vọng đây sẽ là bài học quý báu để người lao động cũng như các cơ quan quản lý của Việt Nam có phương hướng xử lý cho những sự vụ về sau. Chúng ta đối đãi với công ty nước ngoài bằng sự thân thiện, và không mong nhận về sự phản cảm, chúng ta mời gọi đối tác đầu tư, và không cần sự thô lỗ.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều