Để người dân thoát cảnh “hành là chính”
Bàn làm việc không giấy là một trong những mục tiêu thuộc chương trình chuyển đổi số của Chính phủ. Có nghĩa là đưa công nghệ vào cuộc sống. Mục tiêu chính là tiết kiệm thời gian công sức và quan trọng là rút gọn rất nhiều thủ tục mà mỗi người dân đều phải thốt lên “hành là chính”.
Để tối ưu hơn nữa sự phát triển của kinh tế thị trường và hoạt động quản lý Nhà nước, Chính phủ đã chủ trương chuyển đổi các hoạt động hành chính từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số. Việc làm này không chỉ giúp tiết kiệm nhân công và chí phí mà còn góp phần hỗ trợ nâng cao cuộc sống người dân.
Cụ thể, giờ đây người dân không phải đến các cơ quan hành chính địa phương để nộp các đơn từ hay để xin tư vấn từ cán bộ chuyên môn mà họ có thể ở nhà mà thực hiện mọi thao tác qua thiết bị điện tử có kết nối internet. Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động 24/7 để phục vụ và giải đáp thắc mắc của người dân.
Không chỉ vậy, việc thành lập doanh nghiệp chưa bao giờ đơn giản như hiện nay nhờ vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hỗ trợ đăng ký trực tuyến.
Căn cước công dân (CCCD) có gắn chip loại mới cũng là một thành tựu của cuộc cách mạng số, tích hợp nhiều thông tin hơn nhưng tính bảo mật lại vô cùng cao. Thẻ CCCD gắn chip giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn; được tích hợp thêm dữ liệu của công dân như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục.
Qua đây, có thể thấy các phương thức hành chính đang thoái trào nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ và tâm huyết của Chính phủ. Tuy nhiên, để biến giấc mơ chuyển đổi số thành hiện thực thì Chính phủ vẫn còn rất nhiều mối bận tâm.
Trong thời điểm hiện tại, không phải người dân Việt Nam nào cũng có cơ hội để tiếp xúc với công nghệ thông tin. Đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, nơi internet thậm chí còn lạ một thứ khan hiếm. Những người lớn tuổi, cả nhân dân lẫn cán bộ, đều sẽ gặp khó khăn để thích nghi với môi trường số bởi họ đã quen với những thủ tục truyền thống suốt nhiều năm.
Bên cạnh đó, đối với những người làm công việc lao động tay chân, không tiếp xúc nhiều với thông tin đại chúng, thì công nghệ là một thuật ngữ còn quá xa lạ. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là có thể bắt người dân tham gia vào cuộc cách mạng số này. Bởi một bộ phận vẫn chưa thể nhận ra được tầm quan trọng của thay đổi này tới cuộc sống của họ nên việc họ mặc kệ với thời cuộc có lẽ là điều dễ hiểu.
Vậy nên, để phổ cập chuyển đổi số nhiều hơn tới nhân dân thì đầu tiên Chính phủ phải chứng minh được tính cần thiết và quan trọng của nó trong đời sống hàng ngày. Xuất phát từ những việc đơn giản và thiết thực như cho phép người dân được hoàn thiện trực tuyến hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn… hay các loại giấy tờ quan trọng mà thông thường cần mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục rườm rà. Ngay cả các loại hình bảo hiểm, giấy chứng nhận…cũng nên được công nghệ hoá rộng rãi ở không chỉ cơ quan đoàn thể mà còn tại địa phương để phổ cập chuyển đổi số rộng rãi tới người dân.
Với các tỉnh vùng sâu vùng xa, công nghệ thông tin có lẽ vẫn còn khó tiếp cận nếu người dân vẫn còn đói khổ. Việc khắc phục đời sống và áp dụng chuyển đổi số ở nơi đây nên được ưu tiên, làm sao cho đồng bộ với các tỉnh ở đồng bằng. Bên cạnh đó, nên tạo thêm nhiều lớp hướng dẫn cho những người còn chưa thông thạo về công nghệ nhưng có nhu cầu muốn tiếp cận với môi trường số.
Mặc dù thiết yếu là vậy, nhưng cuộc cách mạng này cũng nên được diễn ra từ từ với cường độ và mức độ nhất định để đáp ứng mong muốn trọn vẹn của người dân. Nỗ lực nào cũng cần thời gian và chiến dịch chuyển đổi số này cũng vậy, cần từng bước tiếp cận nhân dân ở mọi khía cạnh của đời sống để họ nhận thức được trọn vẹn hơn mục đích của thay đổi này.
LS Lê