Để người dân hết cảnh “1 cổ 2 tròng” khi sử dụng giấy phép lái xe
Vừa qua, Bộ Công an đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến của người dân. Một đề xuất mới rất đáng chú ý trong dự luật này là chuyển nhiệm vụ sát hạch, giấy phép lái xe (GPLX) cho Bộ Công an thay vì Bộ Giao thông vận tải. Nhiều người thắc mắc, tại sao Bộ Công an lại đưa ra đề xuất này?
Theo thống kê trong 2 năm gần đây cho thấy, có tổng số 159.515 hồ sơ liên quan đến tạm giữ, tước GPLX bị tồn đọng mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận. Nhiều địa phương tồn tại hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn GPLX như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An… Với hàng trăm nghìn GPLX tồn đọng, chắc chắn người vi phạm không phải ai cũng bỏ luôn việc lái xe, thậm chí, có thể tất cả trong số họ vẫn tiếp tục lái xe. Tuy nhiên, lý do họ không đến nhận vì việc làm lại, thi lại giấy phép lái xe quá dễ dãi, số tiền bỏ ra để xin cấp lại, thi lại ít hơn số tiền họ bị nộp phạt nên họ sẵn sàng “lách luật” để có bằng lái mới.
Bên cạnh đó, có không ít trường hợp có từ 2-3 GPLX cùng tồn tại song song. Điển hình như trường hợp ông Đặng Hữu Bình ở Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam sử dụng cùng lúc 2 GPLX do Sở GTVT Đà Nẵng cấp. Trong thời gian ông Bình đang bị Công an Thừa Thiên Huế tạm giữ GPLX hạng B2 do bị vi phạm thì ông lại được Sở GTVT Đà Nẵng cấp GPLX hạng C.
Đó là chưa kể, nhiều sai phạm trong đào tạo, sát hạch GPLX phải nói là khá phổ biến. Như vụ Công an Sơn La bắt giữ 7 đối tượng thuộc Trung tâm Sát hạch và Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 1, thuộc Sở GTVT Sơn La đã câu kết với 2 đối tượng bên ngoài lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong tổ chức sát hạch giấy phép lái xe. Hay vụ việc 83 giáo viên dạy lái xe tại TP Hồ Chí Minh bị phát hiện sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để tham gia đào tạo các học viên càng cho thấy rõ hơn về lỗ hổng trong công tác quản lý, đào tạo và sát hạch lái.
Thẳng thắn mà nói, hiện còn tồn tại nhiều cơ sở đào tạo lái xe kém chất lượng. Học viên học lái xe xong có bằng mà không lái được xe, hoặc đâm liên hoàn vì nhầm chân ga với chân phanh. Thế mới có chuyện nhiều vụ “xe điên” liên tiếp xảy ra. Cũng chính việc đào tạo, sát hạch dễ dãi dẫn đến tình trạng lái xe không biết chữ, có tiền sử tâm thần, đang bị truy nã, cụt tay, cụt chân, nghiện ma túy, thậm chí đang thi hành án nhưng vẫn được cấp, đổi GPLX. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân chính làm cho tai nạn giao thông tăng nhanh khủng khiếp mà mức độ nghiêm trọng cũng lớn hơn. Điển hình như vụ tai nạn tại cầu Serepok (vào đêm 17/05/2012) làm 34 người chết, 22 người bị thương. Được biết, trước đó tài xế xe khách Phạm Ngọc Lâm đã lĩnh 8 năm tù vì án ma túy, thụ án 7 năm được mãn hạn. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào mà khi thụ án được 3 năm, ông Lâm đang ngồi trong tù vẫn đổi được giấy phép lái xe. Sau khi mãn hạn tù, ông ta lại được đổi giấy phép lần 2 chưa được bao lâu thì gây tai nạn thảm khốc.
Mặc dù, Bộ GTVT đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: trật tự an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thế nhưng, từ những phân tích ở trên cho thấy Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không thể giải quyết có hiệu quả đồng thời cả hai vấn đề lớn này được.
Kinh nghiệm lập pháp của một số nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Australia… thì các nội dung liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong đạo luật riêng, tách bạch với đạo luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, vấn đề phát triển hạ tầng phải có cơ chế riêng để thu hút nguồn lực đầu tư, vấn đề trật tự, an toàn giao thông phải có đạo luật chuyên sâu điều chỉnh. Từ kinh nghiệm của các nước nêu trên hoàn toàn có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nếu công tác quản lý GPLX bị chia cắt, tách rời như hiện nay, giao cho cả bộ GTVT và Bộ Công an cùng quản lý, sẽ không tránh khỏi những tồn tại, bất cập và hệ lụy cho xã hội và điều này cũng không phù hợp với mô hình của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Thiết nghĩ, nên giao việc cấp và sát hạch GPLX về Bộ Công an thì hợp lý hơn bởi chính Bộ này nắm bắt rõ tình trạng tài xế đã từng vi phạm lỗi ra sao một cách sát thực hơn để thu hồi, cấp lại giấy phép lái xe mới cho các tài xế đã từng vi phạm luật giao thông đường bộ. Cần hiểu ở đây không có sự tranh giành mà nhằm phân định rõ nhiệm vụ, trong đó Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông, quản lý người lái và phương tiện; còn Bộ Giao thông vận tải tập trung về đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng cầu, đường. Phân định như vậy sẽ tránh được chồng chéo nhiệm vụ và giúp quản lý đồng bộ, hiệu quả hơn.
Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an đang được dư luận và chuyên gia đồng tình, thống nhất cao. Thế nhưng, được biết Quốc hội vẫn chưa đưa vào lộ trình để xem xét và biểu quyết thông qua khiến tình trạng 1 GPLX 2 Bộ quản lý và hàng loạt bất cập, chồng chéo vẫn chưa được giải quyết. Tin rằng, thời gian tới, Quốc hội sẽ nhanh chóng xem xét và ban hành, áp dụng Luật đảm bảo an toàn giao thông đường bộ vào đời sống để góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình, làm giảm các vụ tai nạn giao thông.
Thế Khoa