Để người dân đổ xô đi mua bảo hiểm, trách nhiệm trước tiên thuộc các doanh nghiệp
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định việc để người dân đổ xô đi mua bảo hiểm thời gian qua, trách nhiệm trước tiên thuộc về các doanh nghiệp và Hiệp hội Bảo hiểm…
Việc người dân đổ xô đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới thời gian gần đây sau khi lực lượng cảnh sát tổng kiểm tra các phương tiện trong đó có việc dừng xe kiểm tra loại bảo hiểm này là một hiện tượng lạ. Bởi quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã có từ lâu. Để làm rõ câu chuyện này và những vấn đề khác liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của bảo hiểm dân sự bắt buộc đối với xe cơ giới, PV có cuộc trao đổi với ông Phùng Ngọc Khánh Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.
PV: Thưa ông, trách nhiệm mua bảo hiểm dân sự đối với xe cơ giới đã có từ lâu và đây là quy định bắt buộc, ông có thể giải thích vì sao trong thời gian ngắn gần đây người dân lại đổ xô đi mua loại bảo hiểm này?
Ông Phùng Ngọc Khánh: Theo thông báo của cơ quan CSGT, từ 15/5 – 14/6, các lực lượng CSGT sẽ thực hiện tổng kiểm sát các phương tiện của xe cơ giới, trong đó có yêu cầu phải mang tất cả giấy tờ liên quan đến xe, bao gồm giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Thực tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy trong chương trình này, qua báo cáo đánh giá tổng kết ước tính khoảng 30%. Qua đợt tổng kiểm soát này, những người chưa tham gia sẽ sẽ mua bảo hiểm, nên đúng là có hiện tượng nhiều người dân tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe máy trong đợt này.
PV: Việc người dân đổ xô đi mua loại bảo hiểm này khi có thông tin cảnh sát ra quan tổng kiểm tra, liệu có gì đó mang tính chất đối phó?
Ông Phùng Ngọc Khánh: Tôi nghĩ chuyện tổng kiểm soát cũng là một trong những giải pháp thôi. Giải pháp căn cơ, phổ biến, lâu dài vẫn là công tác tuyên truyền để chủ xe cũng như người điều khiển xe máy biết ý nghĩa của chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có ý nghĩa nhân văn, giúp nạn nhân của các vụ TNGT được hỗ trợ, khắc phục về tài chính, chẳng hạn như thiệt hại về tài sản, về ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng. Tôi nghĩ, đó mới là giải pháp căn cơ, quan trọng, còn giải pháp kiểm tra giấy tờ của phương tiện có thể thực hiện tùy từng thời điểm.
PV: Mức phạt đối với người không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe mô tô rất thấp, liệu điều này có phải lý do người dân bỏ qua loại bảo hiểm này, chỉ mua khi cảnh sát ra quân tổng kiểm tra?
Ông Phùng Ngọc Khánh: Tôi không thể nói thay cho người dân, nhưng nếu việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp được thuận lợi, chất lượng sản phẩm, nội dung rõ ràng, thì người dân cũng không hạn chế tham gia bảo hiểm.
PV: Trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào? Do tuyên truyền hay do nguyên nhân nào khác mà lẽ ra việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự phải diễn ra tuần tự, bình thường nhưng gần đây khi cảnh sát kiểm tra mới lại rộ lên?
Ông Phùng Ngọc Khánh: Đầu tiên là công tác tuyên truyền. Trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm và hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong đó có vai trò hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền, là vai trò của cơ quan quản lý, và cũng có cả vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý, định hướng cách thức, phương thức, nội dung tuyên truyền cho phù hợp.
Thứ hai, về quá trình giải quyết tai nạn giao thông, làm sao để người chủ xe, người điều khiển xe khi có tai nạn, đặc biệt là nạn nhân các vụ TNGT thấy sự hiện diện của các doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ, kể cả thủ tục pháp lý, hỗ trợ tài chính, phối hợp với các cơ quan công an để giám định, tìm nguyên nhân, lỗi để tìm ra căn cứ cơ sở giải quyết, bồi thường bảo hiểm. Tôi nghĩ đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể.
PV: Lâu nay người dân nhất là người sử dụng mô tô rất ngại mua bảo hiểm bởi lẽ việc bảo đảm những quyền lợi cho họ khi phát sinh tai nạn rất phiền phức nhiêu khê, nên khi có chuyện họ thường tự thỏa thuận với nhau, vậy thủ tục chi trả có gì khác so với các loại bảo hiểm khác, thưa ông? Sắp tới, Cục có những bước tiến nào để giảm thiểu các thủ tục, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đòi quyền lợi bảo hiểm?
Ông Phùng Ngọc Khánh: Đây là loại bảo hiểm bắt buộc, pháp luật cũng quy định rất cụ thể về hồ sơ yêu cầu thủ tục bảo hiểm. Tuy nhiên, đối với xe máy, có nhiều trường hợp thực tế, những vụ va chạm TNGT,chưa quy định hạn mức tối đa đến 100 triệu đồng với thiệt hại về sức khỏe, về tính mạng và không giới hạn về số người, số vụ trong năm. Tuy nhiên, về mức tối thiểu, trên thực tế xảy ra nhiều va chạm rất nhỏ, nên người dân thường chủ động tiến hành giải quyết, không mời đến các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi nhận diện được. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thôngVận tải, Bộ Tư pháp, để làm sao có quy định đối với trường hợp người dân có thể tự giải quyết được, có những hình thức để mức phí bảo hiểm phù hợp. Trong trường hợp này, cân nhắc, hoặc tăng mức trách nhiệm bảo hiểm, hoặc tăng số tiền đền bù thiệt hại đến mức độ nào đấy để người tham gia giao thông, nạn nhân các vụ TNGT cảm thấy đáng để mời các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan công an đến. Những người phải bỏ ra chi phí đấy, cơ quan quản lý cũng phải cân nhắc để xem xét mức phí bảo hiểm cho phù hợp.
Dự kiến trong tháng 5 này Bộ Tài chính sẽ trình chính phủ sửa đổi Nghị định 103, quy định những khung pháp lý để hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm, về chế độ bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự của chủ chủ xe cơ giới, trong đó có xe máy. Sau khi chính phủ phê chuẩn, ban hành nghị định mới thay thế nghị định 103, Bộ Tài chính sẽ mời các đối tượng chịu sự tác động như chủ xe ô tô, xe máy, các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan liên quan đến xem các thủ tục hồ sơ bồi thường này, làm sao tạo điều kiện tối đa cho những người chủ xe, những người điều khiển phương tiện xe máy khi tham gia giao thông, bị tai nạn, gây thiệt hại về người, tính mạng, sức khỏe với tài sản người khác, nhận thấy được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý… cũng như đẩy nhanh quá trình trả tiền bồi thường cho nạn nhân của các vụ TNGT.
PV: Thưa ông, trong khoảng thời gian vừa qua có thể thấy bảo hiểm được bán dạo ngoài đường, được bán ở mức giá chỉ có 20.000 VND đến 25.000 VND, hay nhiều doanh nghiệp tung ra khuyến mại lớn khiến người dân hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả. Chúng ta có giải pháp nào cho vấn đề này?
Ông Phùng Ngọc Khánh: Về vấn đề này, ngày 20/5, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đã có công văn 189 yêu cầu các doanh nghiệp rà soát trong toàn bộ hệ thống. Trong tuần tới, Cục sẽ phối hợp với một số các cơ quan liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí kiểm tra, rà soát, giám sát việc doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chế độ này theo đúng quy định pháp luật, kể cả vấn đề bán bảo hiểm dạo, bán bảo hiểm có khuyến mại… chúng tôi sẽ giám sát việc thực hiện chế độ tài chính, kế toán để thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thứ đến, việc bán bảo hiểm thông tin tuyên truyền phải rõ. Đâu là bảo hiểm bắt buộc, đâu là bảo hiểm tự nguyện đều phải nêu rõ. Tôi lấy ví dụ bảo hiểm 20.000 đồng là bảo hiểm cho người ngồi đằng sau xe máy thì phải đề rõ. Tất cả các sai phạm nếu có của đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ xử lý theo đúng quy định. Nhưng sai phạm, lỗi của đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ xe cũng như người điều khiển xe trong quá trình tham gia giao thông nếu không may xảy ra tai nạn.
Như Quỳnh/ VNN