Đề nghị tòa triệu tập nguyên Phó trưởng Công an TP.Thái Bình Cao Giang Nam
Ngày 19/6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vì có các bài thuyết giảng lan truyền “gây hoang mang trong xã hội”, “bị cộng đồng phản ứng và làm suy giảm niềm tin Phật pháp”, “ảnh hưởng đến uy tín của GHPGVN”.
Đặc biệt, Thượng tọa Thích Chân Quang đã phạm Giới luật căn bản của Phật chế cho người xuất gia là vọng ngữ, dối trên lừa dưới.
Thượng tọa Thích Chân Quang có nhiều lý giải dẫn dụ về nhân quả gây xôn xao dư luận như hát karaoke, tuổi trẻ đi du lịch hoặc trồng cà phê…
“Ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm”; “Mấy người trồng cà phê là bị mang nghiệp rất nặng vì khi những người khác uống cà phê sẽ dẫn tới mất ngủ mà mất ngủ sẽ không đi làm được, không có tiền lo cho gia đình, cho nên những ai đang trồng và bán cà phê sẽ mang nghiệp rất nặng”… là một số luận giải về nhân quả gây xôn xao của Thượng tọa Thích Chân Quang.
Mức kỷ luật với Thượng tọa Thích Chân Quang là không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền Tôn Phật Quang và những địa điểm khác trong thời gian 2 năm. Nhiều người cho rằng mức kỷ luật này không quá nghiêm khắc nhưng cũng hợp lý với người tu hành, để họ có thời gian tĩnh tâm suy xét việc mình đã làm.
Tuy nhiên, mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản về việc xác minh bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hoá của ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang).
Cụ thể, kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD-ĐT TPHCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959, như sau: Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở.
Chia sẻ với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông cho biết, cơ quan điều tra sẽ xác minh, điều tra về bằng cấp 3 và cả quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt tại các cơ sở đào tạo. Cơ quan điều tra có thể trưng cầu giám định đối với bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt nộp tại cơ sở đào tạo và tài liệu có liên quan trong quá trình học tập.
Dựa vào kết quả giám định và kết quả xác minh, nếu có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về các tội danh như: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hoặc “Giả mạo trong công tác”… quy định tại các Điều 341, 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 341 quy định rõ, người nào làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 7 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.
Một thượng tọa trụ trì ngôi chùa nổi tiếng cho biết, Ngũ giới (5 giới) căn bản nhất của người xuất gia phải tuân thủ là: Không sát sinh, Không trộm cắp, Không dâm dục, Không vọng ngữ (nói dối, dối trá, lừa đảo), Không uống rượu bia, ma tuý… Thượng tọa Thích Chân Quang đã phạm Giới luật căn bản của Phật chế cho người xuất gia là vọng ngữ, dối trên lừa dưới. Hiện tại, quy định phải có bằng cấp 3 mới được thọ giới. Với trường hợp của Thượng tọa Thích Chân Quang, không có bằng cấp 3 mà vẫn được thọ giới là không sai vì thời điểm đó chấp nhận việc này.
Điều 82 của Hiến chương GHPGVN quy định rõ về hình thức kỷ luật với các thành viên của GHPGVN vi phạm Giới luật, Hiến chương, Quy chế, Nội quy của Giáo hội, tùy theo mức độ vi phạm, Giáo hội sẽ xử lý theo Giáo luật.
Mục 3 Điều 82 nêu rõ: Thành viên của GHPGVN bị hạn chế quyền công dân do vi phạm pháp luật thì đương nhiên mất tư cách là thành viên của Giáo hội.
Bích Ngân