+
Aa
-
like
comment

Đề nghị thu hồi và dừng lưu thông những phương tiện cũ nát tại HN và TP HCM

Đỗ Mạnh - 03/01/2021 16:16

Với tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay ở Hà Nội và TP HCM thì đề nghị, thu hồi và cấm lưu thông những loại phương tiện giao thông cũ nát của Bộ Tài nguyên và Môi trường là việc cần làm ngay và luôn.

Hình ảnh ách tắc trên đường Nguyễn Trãi Hà Nội tháng 5/2020

Việc thu hồi các phương tiện cũ nát, quá thời hạn sử dụng trong ngắn hạn có thể gây nên một số khó khăn cho những người dân không có điều kiện, song về dài hạn thì đây lại là giải pháp hiệu quả cho việc giữ gìn môi trường sống cho cộng đồng và xã hội. Chắc ai trong số chúng ta cũng đều biết, trong điều kiện công nghiệp phát triển như hiện nay môi trường sống ngày càng xấu đi bởi khói bụi và chất thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, chất thải từ các phương tiện giao thông cũ nát, quá thời hạn sử dụng, các hoạt động xây dựng và hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp chiếm một tỷ lệ rất lớn.

Đối với việc quản lý khí thải từ các nhà máy xí nghiệp, nhà nước đã có những quy định chi tiết và khá chặt chẽ về quản lý khí thải và buộc các doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất (QCVN 19: 2009/BTNMT). Nhưng các quy định về khí thải do các phương tiện giao thông thì chưa có quy định cụ thể.  Đặc biệt là khí thải do xe máy đang hoạt động hiện nay. Trong khi đó, số lượng xe máy đang hoạt động ở Việt Nam luôn có những biến động khó lường. Cụ thể, năm 2011 có 3,3 triệu xe máy được bán ra, năm 2012 giảm 200.000 chiếc, còn 3,1 triệu xe, năm 2013 bán được 2,8 triệu chiếc, năm 2014 tiếp tục sụt giảm với 2,7 triệu xe được bán ra, và trở lại mốc gần 2,8 triệu xe trong năm 2015.

Đến thời điểm này, hơn 96% thị phần xe máy tại Việt Nam thuộc về 5 hạng sản xuất có tên tuổi lớn như: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, VMEP. Trong nhóm các đại gia nói trên, Honda chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng công suất lên đến hơn 2,5 triệu chiếc xe máy/năm.

Bình quân mỗi năm thị trường Việt Nam “khai sinh” thêm hơn 3 triệu chiếc xe máy. Với đà tăng tiến như vậy, đến 2020, tổng số lượng xe máy lưu hành trên thị trường có khả năng đạt tới 60 triệu chiếc. Là phương tiện giao thông thiết yếu của số đông người dân, nhưng lượng xe máy tăng nhanh sẽ gây ra nhiều hệ lụy rất đáng lo ngại. Các con số thống kê cho thấy, 85% dân số Việt Nam đang sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại hàng ngày và mưu sinh với những canh cánh về nỗi lo tai nạn, tắc đường. Cũng theo các con số thống kê tại Việt Nam, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Hàng năm, cùng với sự gia tăng của xe máy là số lượng ô tô cũng tăng lên một cách khó kiểm soát. Tuy  nhiên với ô tô chúng ta đã có công cụ để kiểm soát, thông qua hình thức đăng kiểm hàng năm. Việc giới hạn những xe ô tô quá cũ nát và không bảo đảm về chất lượng khí thải, chúng ta có thể ngăn cấm được thông qua việc cấp giấy phép lưu hành xe. Song với xe máy thì chúng ta vẫn đang trong vòng luẩn quẩn và chưa có những quyết định dứt khoát.

Trong khi đó, tình hình bệnh ung thư ở Việt Nam thì ngày càng diễn biến phức tạp và ngày một gia tăng. Theo Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, tại Việt Nam, ung thư mắc mới tăng từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Mỗi năm ở VN có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Tổ chức Y thế  giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1). Việt Nam ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 dân, ngang với tỉ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turmenistan. Mặc dù tỷ lệ người dân mắc ung thư cao và do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nhưng theo ý kiến của các chuyên gia tỷ lệ ung thư ở VN ngày càng gia tăng do yếu tố môi trường chiếm một tỷ lệ khá cao, trong đó có tác động từ khi thải từ các phương tiện giao thông.

Rõ ràng là hiện nay ở Việt Nam, chất lượng không khí ngày càng xấu đi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Chính quyền tại các thành phố lớn đã ban hành rất nhiều các quy định nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các chất thải do các hoạt động của con người gây ra. Song trước nhu cầu cuộc sống, những quy định đó vẫn chưa giải quyết được triệt để. Những ảnh hưởng gây tác động đến môi trường, trong đó có kể đến các hoạt động như đốt rơm rạ ở các vùng ngoại ô, sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt tại các thành phố lớn, và nghiêm trọng hơn là việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện cũ nát thì chưa có quy định cụ thể nào nhằm hạn chế việc xả thải ra môi trường.

Để cảnh báo việc xả thải và tác động môi trường đến sức khỏe, tại các thành phố lớn và nhiều địa bàn trọng điểm trong cả nước, Bộ Tài nguyên và môi trường đã lắp đặt nhiều trạm quan trắc trên khắp cả nước nhằm đo mức độ ô nhiễm để từng bước tìm ra những giải pháp khắc phục. Gần đây, căn cứ vào tình hình ô nhiễm môi trường tại Hà Nội và TP HCM ngày càng trầm trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến đề xuất thu hồi các phương tiện cũ nát và không cho phép lưu thông tại HN và TP HCM. Các chuyên gia cho rằng đây là một đề nghị hợp lý và đúng thời điểm. Trước mắt, nếu cấm lưu hành các loại phương tiện cũ nát có thể ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư, song về lâu dài thì đây lại là một điều rất cần thiết. Xe máy cũ nát vừa thải ra môi trường những khí thải độc hại, gây tiếng ồn vừa không an toàn trong giao thông dễ gây tai nạn. Trước đó để giải quyết khó khăn cho một bộ phận dân sinh, chính quyền các thành phố đã có những kiến nghị nhằm hỗ trợ kinh phí cho người dân đổi xe cũ lấy xe mới. Theo các chuyên gia, đây là kiến nghị rất có lý có tình, giúp người dân vừa có phương tiện mới phục vụ các hoạt động đi lại, kinh doanh phục vụ mưu sinh với kinh phí vừa phải, vừa giúp các thành phố giảm tải được chất thải không mong muốn, vừa giảm thiểu sự mất an toàn do các phương tiện cũ nát mang lại.

Để làm được việc thu hồi và cấm lưu thông, các loại phương tiện cũ nát đòi hỏi chính quyền các cấp từ phường xã phải hết sức sát sao, tìm hiểu và vận động nhân dân hiểu được việc làm có giá trị nhân văn, để cùng với chính quyền các cấp thực hiện một cách triệt để. Với lực lượng cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng, phải có thái độ kiên quyết không cả nể. Tịch thu phương tiện cũ nát là vì cuộc sống lâu dài của cộng đồng, vì vậy chính quyền các cấp cần tổ chức những đợt vận động trên diện rộng, tuyên truyền mọi lúc, mọi nới và kêu gọi những mạnh thường quân trong xã hội ra tay cứu giúp, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để chuyển đổi phương tiện vì một môi trường xanh sạch đẹp. Chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động có biểu dương, khen thưởng rõ ràng nhằm nhân rộng những tấm gương người tốt việc tốt trong việc gìn giữ môi trường chung của toàn xã hội.

Việc gìn giữ môi trường xanh, sạch đẹp là việc làm lâu dài và có ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Vì vậy trong quá trình thực hiện, cần làm một cách kiên trì, bền bỉ, chắc chắn không nóng vội. Cán bộ Đảng viên, chính quyền  cần đi trước, làm gương cho nhân dân noi theo, làm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, tạo thành một phong trào sâu rộng trong nhân dân, nhằm tạo sự ảnh hưởng mang tính lan tỏa.

Có như thế, chúng ta mới tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong dân, xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho toàn xã hội. Một Việt Nam không khí thải sẽ là môi trường phát triển cho ngành du lịch không khói tại Việt Nam.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều