+
Aa
-
like
comment

Đề nghị phạt nặng ‘hung thần’ karaoke, thu thiết bị vì ‘mất của họ mới sợ’

27/02/2021 15:22

“Nhà tôi có người già khó ngủ, nhiều nhà trong khu này có trẻ nhỏ mà họ hát karaoke dai dẳng. Mấy ngày lễ, tết có khi hát đến 12h, 1h sáng. Họ hát cho họ vui mà mình mệt”, một người dân tại quận Tân Bình (TP.HCM) bức xúc về tiếng ồn karaoke.

Đề nghị phạt nặng hung thần karaoke, thu thiết bị vì mất của họ mới sợ - Ảnh 1.
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh nạn ô nhiễm tiếng ồn vì karaoke tự phát

Vừa qua, từ loạt bài phản ánh của báo chí về “hung thần” karaoke tự phát, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ngành quyết liệt chấn chỉnh, phòng chống nạn ô nhiễm tiếng ồn tại các khu dân cư.

Thu giữ thiết bị hát karaoke nếu nhiều lần vi phạm

Về vấn đề này, chị Lê Thị Kim Yến (quận Tân Bình) cho biết hiện nay nhiều hộ dân thường có thói quen hát karaoke vào cuối tuần. Nhất là vào dịp Tết vừa qua, các gia đình này hát xuyên đêm nhiều ngày liền rất khó chịu. Theo chị Yến, cũng vì “tình làng nghĩa xóm” mà mọi người cứ âm thầm chịu đựng, chỉ đóng cửa cho bớt tiếng ồn.

“Nhà tôi có người già khó ngủ, nhiều nhà trong khu này có trẻ nhỏ mà họ hát dai dẳng. Có khi mấy ngày lễ hát đến 12h, 1h sáng. Họ hát cho họ vui mà mình mệt”, chị Yến bức xúc.

Còn theo chị Nguyễn Thị Kim Yến (quận 1), hiện nay việc hát karaoke bằng loa kéo trở nên phổ biến hơn. Nhiều gia đình không hát karaoke trong nhà nữa mà mua loa kéo kết nối điện thoại, máy tính bảng ngồi ngoài đường để hát, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người khác.

“Họ hát karaoke là phải hát to, chứ hát nhỏ thì còn karaoke gì nữa. Họ hát karaoke vì muốn được người khác nghe mà có ai muốn nghe đâu, ai cũng bực mình hết”, chị Yến nói.

Theo chị Yến, vấn đề này đã được đưa ra bàn luận nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết thỏa đáng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, chị Yến hi vọng lần này TP sẽ đưa ra những giải pháp triệt để, chẳng hạn như nâng mức phạt tiền nặng hay tạm thu giữ thiết bị hát karaoke nếu vi phạm nhiều lần.

“Mất của thì họ mới sợ”, chị Yến kiến nghị.

Mấu chốt vẫn là ý thức người dân

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Thanh Tâm – chủ tịch UBND phường 1, quận 8 – cho biết hiện nay địa phương tiến hành xử lý vi phạm tiếng ồn từ karaoke từ 22h trở đi. Trước 22h thì lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, vận động giảm tiếng, dọn dẹp vệ sinh, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

“Khi có tiệc thì lực lượng chức năng sẽ vận động, nhắc nhở để người dân biết địa phương đang giám sát, sẽ hạn chế hơn”, ông Tâm nói.

Theo ý kiến của lãnh đạo TP, ông Tâm hi vọng trong thời gian tới các ngành sẽ phối hợp, đưa ra những giải pháp, hướng dẫn cụ thể để địa phương căn cứ xử lý hiệu quả.

Còn theo bà Lê Thị Ngọc Dung – phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, việc xử lý tiếng ồn karaoke tại địa phương cũng đang gặp khó. Khi người dân phản ánh về tiếng ồn, lực lượng đến xử lý thì người vi phạm đã giảm âm thanh hoặc tắt máy.

Bà Dung cho biết UBND quận Bình Tân đã có yêu cầu chủ tịch UBND các phường phối hợp với Trưởng Công an phường chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý.

Với những trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn sau 22h, theo bà Dung mức xử phạt còn thấp, chỉ từ 100.000–300.000 đồng, nên bên cạnh việc xử phạt, địa phương vẫn chú trọng việc tuyên truyền, nhắc nhở.

Bà Dung cho rằng cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì mấu chốt vẫn ở ý thức của người dân. Cho nên, thời gian qua, các phường của quận đã đưa vấn đề này vào quy ước tại cộng đồng dân cư, để người dân cam kết, tự nhắc nhở bản thân.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM khẳng định loại hình “loa kẹo kéo” hát rong không được luật quy định là hình thức kinh doanh karaoke. Vì vậy trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn tại khu dân cư không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa. Thanh tra Sở Văn hóa và thể thao không đủ thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn khi sử dụng loa kéo để hát.

UBND TP đã giao trách nhiệm cụ thể cho Công an TP, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND các quận, huyện. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý về tiếng ồn của quận, huyện, xã, phường, thị trấn đa số chưa phát hiện vi phạm về tiếng ồn, hoặc có phát hiện nhưng xử lý chưa triệt để, có nơi không thể xử lý vì không có thiết bị đo tiếng ồn.

Công tác kiểm tra, xử lý về tiếng ồn của quận, huyện, xã, phường, thị trấn hiện nay chủ yếu tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở, vận động.

Sở Văn hóa và thể thao đã lồng ghép tiêu chí về tiếng ồn vào danh hiệu văn hóa cũng như xây dựng hương ước, quy ước của khu phố, ấp để tuyên truyền vận động người dân.

Theo Sở Thông tin và truyển thông, để xử lý vấn đề này cần giao cho địa phương, UBND và Công an các xã, phường phải chịu trách nhiệm xử lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và có cách hành xử văn hóa. Địa phương cũng cần nhắc nhở công khai tại các cuộc họp hoặc có biện pháp phối hợp xử lý khi có hành vi vi phạm xảy ra.

TIẾN LONG

THẢO LÊ

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều