Đề nghị không miễn viện phí cho người từ chối vaccine không có lý do chính đáng
“Tới đâu hay tới đó, chẳng có cách nào khác. Cứ sống thế thôi”, Gina Chiki nói về sấp hóa đơn viện phí sau 9 tháng nằm viện điều trị COVID-19 của chồng cô, anh Albert Chiki. Viện phí của Chiki, như hàng triệu công dân Mỹ khác, lên đến hàng trăm ngàn USD dù đã có bảo hiểm.
Theo thống kê của bệnh viện FAIR Health, trung bình một bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ phải trả viện phí 49.000 USD, 24.000 USD nếu có bảo hiểm. Nếu phải dùng máy thở và chăm sóc đặc biệt, chi phí có thể tăng gấp 4 lần. COVID-19 đã trở thành gánh nặng về sức khỏe lẫn túi tiền của bệnh nhân. Trường hợp của bệnh nhân Michael Flor, hóa đơn của ông dày 181 trang với số tiền… hơn 1 triệu USD, khoảng 23 tỷ VND. Một con số có lẽ sẽ khiến nhiều người Việt Nam liên tưởng đến một câu chuyện. Đó là chuyện về sản phụ Lê Thị Thanh Thảo được chữa trị và miễn viện phí 2,3 tỷ mới xảy ra chỉ một tuần trước.
Cùng lúc với chị Thảo, có 2 bà mẹ khác là Lê Thị Ngọc Hoài và Nguyễn Thị Thu Trinh cũng đã khỏi bệnh một cách thần kỳ. Ba bà mẹ ấy đã có chung những phép màu: Đều sinh con thành công, đều vượt qua ranh giới sinh tử và đều có… hóa đơn viện phí hàng tỷ đồng. Nhưng đó cũng là một phép màu, bởi không ai trong số họ sẽ phải mang gánh nặng viện phí “khổng lồ” ấy trong cuộc đời, toàn bộ viện phí – tổng cộng 5,8 tỷ đồng – được chi trả bằng Ngân sách nhà nước.
Đó là nét nhân văn, đậm tình người của văn hóa dân tộc Việt Nam. Từng đồng ngân sách để mang sự sống đến cho mỗi công dân, đó là “cho dân và vì dân” theo đúng từng lời, từng chữ. Nhưng suy cho cùng, đi đâu, về đâu thì cũng cũng là gánh lo không hề nhẹ cho ngân sách nhà nước. So với 2 năm trước, chúng ta đã hiểu rõ hơn về căn bệnh, đã có thể điều trị hiệu quả hơn và quan trọng nhất, vaccine đã hiện hữu. Với thành tựu y học chung của thế giới và áp lực trong nước suy giảm, theo đúng quy luật thì gánh nặng ngân sách lẽ ra cũng phải nhẹ bớt theo từng ngày.
Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người vẫn mang suy nghĩ đi ngược với thời cuộc, tác động tiêu cực đến đến tình hình chung. Đó là những người vẫn còn tư duy “lưỡng lự”, chờ đợi, muốn được chọn vaccine theo ý muốn của cá nhân, đến lượt tiêm chủng nhưng từ chối để tiếp tục… chờ. Một số khác tồi tệ hơn, chống đối vaccine với những luận điệu phi logic, bài xích một cách phản khoa học. Đó là những thành phần “antivax”, bị cả thế giới lên án, chỉ trích. Dù không phủ nhận quyền lựa chọn của mỗi người, cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế nguồn vaccine lẫn độ phủ vaccine toàn quốc vẫn chưa đầy đủ. Cho nên, thái độ chờ đợi vaccine cũng gây nguy hiểm cho xã hội chẳng kém gì “antivax”, đặc biệt là cho những người xung quanh họ.
Theo hiệu ứng domino, càng nhiều người không tiêm chủng hoặc chờ đợi, độ phủ vaccine càng thấp, kéo theo đó là số ca nhập viện biến chứng nặng tăng cao, đè nặng lên ngân sách nhà nước. Điều đáng nói, dù “lưỡng lự” hay “antivax”, khi nhiễm bệnh, những người này cũng sẽ được điều trị không mất viện phí theo chính sách hiện tại. Câu hỏi được đặt ra là như vậy có thực sự công bằng, trong khi còn biết bao người chưa có may mắn được tiêm chủng, hoặc không thể tiêm vì bệnh lý nền, chưa đủ tuổi… đang cần sự chăm sóc y tế hơn ai hết? Phải chăng chúng ta đang dung túng cho sự ích kỷ, kém hiểu biết của một nhóm người, để cho họ được hưởng những quyền lợi như những công dân khác?
Việc điều trị không mất viện phí cho người dân nhiễm COVID-19 đều nhờ vào ngân sách nhà nước, là chính tiền thuế của người dân. Liệu chúng ta có thể chấp nhận chuyện tiền thuế của mình được dành để điều trị cho những cá nhân ích kỷ, gây hại cho xã hội? Rõ ràng là không. Thiết nghĩ, chúng ta chẳng có lý do gì để chữa trị miễn phí cho những người đã từ chối tiêm vaccine mà không có lý do chính đáng. Ai cũng có quyền được chọn, nhưng đó là lựa chọn “tiêm hay không tiêm”, chứ không phải quyền được chọn “vaccine này, vaccine kia”. Và cũng như mọi quyền lợi, nó đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ. Quyền lựa chọn không tiêm phải đi kèm với trách nhiệm tự chi trả viện phí, đó mới là sự công bằng.
Về phần mình, lực lượng y tế và chính quyền địa phương hoàn toàn có thể thực hiện văn bản cam kết khi người dân từ chối tiêm chủng, từ đó phân loại nhóm “có lý do chính đáng” như bệnh lý nền, tình trạng sức khỏe, và những người “không chính đáng”. Trong trường hợp không may, người từ chối tiêm vaccine nhiễm COVID-19, các văn bản đó sẽ là cơ sở để miễn hay không miễn viện phí cho người bệnh.
Hãy để những người từ chối vaccine không chính đáng chịu trách nhiệm về quyết định của mình như bao người khác. Chúng ta tôn trọng lựa chọn của họ, chứ không gánh cả phần trách nhiệm trong việc làm gây hại đó.
Đừng để sự ích kỷ của bản thân trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước!
Nguyên Khánh