+
Aa
-
like
comment

Đề nghị có thể dừng thi THPT quốc gia năm nay

14/03/2020 09:18

Nhiều ý kiến cho rằng nếu tình trạng nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT có thể tính đến việc dừng thi THPT quốc gia năm nay, cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT.

Học sinh lớp 12 tỉnh Bến Tre trở lại trường sau kỳ nghỉ vì dịch trong khi nhiều tỉnh thành khác tiếp tục cho nghỉ học /// Ngọc Dương
Học sinh lớp 12 tỉnh Bến Tre trở lại trường sau kỳ nghỉ vì dịch trong khi nhiều tỉnh thành khác tiếp tục cho nghỉ học

Ngày 13.3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thông báo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020 (lần 2).

Việc Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian kết thúc năm học vào giữa tháng 7 được các địa phương và nhà trường cho rằng đó là đòi hỏi tất yếu vì đến nay có địa phương đã cho học sinh (HS) nghỉ hết tháng 3.

Không cần dạy bù nếu kết thúc năm học 15.7

Với việc điều chỉnh thời gian năm học theo quy định của Bộ, bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết việc học của HS không bị ảnh hưởng nếu diễn biến dịch ổn định và HS trở lại trường vào ngày 6.4.

Bà Hồng Chương lý giải theo phân phối chương trình, học kỳ 2 có 18 tuần trong đó 17 tuần thực học và 1 tuần dự trữ. HS đã thực hiện được 2 tuần của học kỳ 2 trước thời gian nghỉ tết và theo thông thường, sau tết, HS sẽ tiếp tục vào học tuần thứ 3. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, HS sẽ nghỉ hết ngày 5.4 như vậy, nếu tình hình ổn định HS trở lại trường và tiếp tục học tuần thứ 3 vào ngày 6.4. Việc điều chỉnh thời gian kết thúc năm học vào ngày 15.7 của Bộ là hợp lý, HS không phải học bù.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói rằng theo lịch kết thúc năm học trước 15.7, HS khối 10 và 11 đảm bảo đủ số tuần thực hiện chương trình nên không phải dạy bù, quan trọng nhất là chỉ đạo thực hiện tinh giản kiến thức và thời gian kiểm tra học kỳ 2. Riêng HS khối 12, có đôi chút khó khăn do hằng năm chương trình lớp 12 được kết thúc đầu tháng 4, sau đó kiểm tra học kỳ 2 và chuyển sang ôn tập thi THPT (khoảng 7 tuần). Năm nay kết thúc vào giữa tháng 7, HS chỉ có khoảng 3 tuần ôn tập. Để có thể đạt kết quả tốt, HS cần tận dụng thời gian nghỉ chống dịch này để ôn lại kiến thức học kỳ 1, kiến thức lớp 10 và 11 trước.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết căn cứ vào những điều chỉnh, quy định của Bộ GD-ĐT mới ban hành, Sở sẽ có những hướng dẫn cụ thể đối với từng bậc học, đặc biệt trong đó sẽ xây dựng phương án sao cho HS các lớp cuối cấp có điều kiện tốt nhất để hoàn thành chương trình cũng như đáp ứng các kỳ thi quan trọng. Riêng về kỳ thi tuyển sinh lớp 6 và lớp 10, từ thời gian kết thúc năm học và lịch thi THPT quốc gia, TP.HCM sẽ tính toán phương án tịnh tiến về thời gian sao cho tương ứng, phù hợp. Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thường được Sở GD-ĐT tổ chức ngay sau khi HS lớp 9 kết thúc năm học và tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện tiếp sau đó khoảng 1 tuần.

Dời thi THPT quốc gia sang tháng 8 là đã hết “đường lùi” ?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng việc điều chỉnh này là phù hợp nếu HS nghỉ học hết tháng 3, hoặc thêm 1 tuần của tháng 4. Tuy nhiên, điều mà ông Tùng Lâm lo lắng là nếu dịch bệnh còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp như hiện nay thì không biết sang tháng 4, việc trở lại trường của HS có khả thi? Nếu phải lùi tiếp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian của năm học tiếp theo. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào gần giữa tháng 8, phải mất thêm 1 tháng nữa để chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh ĐH… đồng nghĩa việc sang đến ít nhất nửa đầu tháng 9, trong khi khai giảng năm học mới đã được ấn định là ngày 5.9.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng điều chỉnh lần 1 khi HS nghỉ 1 tháng thì Bộ lùi 1 tháng; hiện nay HS nghỉ 2 tháng, Bộ lùi 1,5 tháng và các trường phải “dùng” hết 2 tuần dự trữ mới kịp dạy hết chương trình. Nếu phải nghỉ sang tháng thứ 3, hoặc 3 tháng trở lên, thì sẽ “kịch khung” và ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau.

Cần tính đến cả phương án xét tốt nghiệp THPT ?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm vì sức khỏe và an toàn tính mạng của HS được đặt lên hàng đầu nên nếu không kịp thì tính đến việc kể cả Bộ có thể dừng thi THPT quốc gia năm nay. Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT thì Bộ cần tính toán để đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT trong năm nay, khi mà dịch bệnh xảy đến bất ngờ buộc chúng ta phải có giải pháp đặc thù để ứng phó.

“Bộ cần phải tính đến tất cả tình huống, các kịch bản tương ứng, chứ không nhất thiết phải làm một cách tuần tự như các năm trước”, ông Lâm nói và cho rằng về xét tuyển ĐH thì sẽ giao cho các trường, họ có quyền xét học bạ hoặc bổ sung thêm các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp, chứ không nhất thiết phải lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Kết thúc năm học 15.7, thi THPT quốc gia từ 8 – 11.8

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020: thời gian kết thúc năm học trước ngày 15.7, thay vì trước ngày 30.6 như quyết định trước đó. Thời gian thi THPT quốc gia từ 8 – 11.8, thay vì thi vào các ngày 23 – 26.7 như đã thông báo. Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động quyết định thời gian cho HS đi học trở lại, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.

Tuyết Mai

Ông Đỗ Hoàng Sơn, một chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên cho HS lớp 12 năm nay tốt nghiệp THPT theo kết quả của 5 học kỳ đã qua. Trường ĐH có thể tuyển sinh theo học bạ và phỏng vấn, kiểm tra… để tuyển sinh theo nhiều đợt khác nhau.

Cần điều chỉnh nội dung đề thi

Cũng theo ông Tùng Lâm, nếu kịp thi THPT quốc gia trong tháng 8 thì Bộ cũng nên tính đến việc điều chỉnh nội dung đề thi, không nên quá dàn trải hết chương trình như lâu nay vẫn làm.

“Việc này không phải là ứng phó với dịch bệnh mà đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về cách ra đề thi, làm thế nào để đánh giá được phương pháp tư duy, năng lực của HS, đánh giá được khả năng vận dụng của HS trong từng nội dung học tập, chứ không phải để kiểm tra khối lượng kiến thức”, ông Tùng Lâm nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho rằng việc lùi kỳ thi sang tháng 8 là đáp ứng nguyện vọng của các trường đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đề thi THPT quốc gia năm nay cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn, đặc biệt, năm nay Bộ chủ trương không ra đề minh họa thì cần có hướng dẫn ôn tập cụ thể, chi tiết để các trường làm căn cứ tổ chức ôn thi cho HS.

Trường ĐH bị ảnh hưởng gì ?

Việc Bộ GD-ĐT quyết định lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia qua đầu tháng 8 ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch tuyển sinh của các trường ĐH.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Nếu kỳ thi này diễn ra vào đầu tháng 8, khả năng đến tháng 10 các trường ĐH mới gọi được thí sinh trúng tuyển. Năm học mới 2020 – 2021 sẽ bắt đầu muộn hơn mọi năm”.

Theo trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM, năm nay dù các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng phần lớn chỉ tiêu vẫn dựa vào điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của kỳ thi này. Kể cả các phương thức xét tuyển khác, thí sinh muốn trúng tuyển đều phải trải qua kỳ thi này và được công nhận đỗ tốt nghiệp THPT. Do vậy, các trường sẽ phải dời thời gian xét tuyển các phương thức tiệm cận với thời gian lùi kỳ thi này.

Hà Ánh

 

Tuệ Nguyên, Bích Thanh/TNO

Bài mới
Đọc nhiều