+
Aa
-
like
comment

Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp, người lao động

23/02/2021 10:38

Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu khi đánh giá báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ.

Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng sức khỏe của doanh nghiệp, người lao động - Ảnh 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu – Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 23-2.

Khó khăn gấp hai, nỗ lực gấp ba

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quán triệt phương châm ngay từ đầu nhiệm kỳ là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020.

“Hằng năm đều đề ra phương châm hành động, quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn; không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội đề ra” – ông Dũng khẳng định.

Trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện “bình thường mới”.

Kết quả, tăng trưởng năm 2020 ước đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.

Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng sức khỏe của doanh nghiệp, người lao động - Ảnh 2.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ qua đã không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ – Ảnh: Quochoi.vn

Vẫn theo ông Dũng, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”,  Chính phủ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xử lý công việc trên môi trường mạng để giảm giấy tờ; đã ban hành 71 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Dự thảo báo cáo cũng cho thấy Chính phủ thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng; phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản; ban hành cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân.

Nhiều thành tích, nhưng thiếu “điểm nhấn” đầu tư hạ tầng

Bày tỏ ý kiến về những kết quả Chính phủ đạt được, những việc cần tiếp tục quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết ấn tượng sâu sắc nhất của ông chính là Chính phủ đã thể hiện vai trò quốc tế của Việt Nam rất xuất sắc, đặc biệt khi giữ vai trò chủ tịch ASEAN, đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được chọn là nơi gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ – Bắc Triều Tiên…

Ấn tượng thứ hai là đã chỉ đạo đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với nước ngoài, mở ra động lực lớn để phát triển đất nước.

Ấn tượng thứ ba, theo ông Giàu, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, mới đây Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết về phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng khó khăn…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại kiến nghị “để làm tiền đề cho Chính phủ nhiệm kỳ mới, cần đánh giá đúng về “sức khỏe” của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động dưới sự tác động của đại dịch COVID-19. Đánh giá đúng sẽ có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trước đây chúng ta dự báo dịch COVID sớm kết thúc chứ không kéo dài và phức tạp, vì vậy có những chính sách đã áp dụng nay cần phân tích, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp”.

Đề nghị phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hệ thống giao thông, đặc biệt các tuyến đường cao tốc, các tuyến kết nối liên vùng, ông cho biết dịp tết vừa rồi ngồi với một số chuyên gia kinh tế, mọi người đều thấy sốt ruột vì đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Ví dụ, rất mong muốn có tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ nhưng thi thoảng chỉ thấy được đề cập trên báo.

Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng sức khỏe của doanh nghiệp, người lao động - Ảnh 3.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét “điểm nghẽn” trong quản lý đất đai và đầu tư xây dựng hạ tầng chậm được tháo gỡ – Ảnh: Quochoi.vn

Khen Chính phủ nhiệm kỳ này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, giải quyết công việc rốt ráo, đã chấm dứt được tình trạng “tiền trảm, hậu tấu”, không để lại hậu quả khiến nhiệm kỳ sau phải giải quyết, nhưng Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng “về xây dựng thể chế, đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn những điểm nghẽn chưa kịp thời đề xuất tháo gỡ, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai”.

Đặc biệt, xây dựng kết cấu hạ tầng còn là điểm yếu, cả nhiệm kỳ này chúng ta chưa có một công trình trọng điểm quốc gia lớn nào. Sân bay Long Thành triển khai quá chậm, dự án “vắt” từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sang.

Từ đó, ông Phúc cho rằng “bài học quan trọng nhất cần được rút là Chính phủ khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

“Các dự án lớn triển khai chậm, như dự án cao tốc Bắc – Nam thì đến cuối nhiệm kỳ mới “vắt chân lên cổ” để chạy” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu ví dụ.

Tuy vậy, bà đánh giá đây là một nhiệm kỳ rất thành công. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt thiên tai, dịch bệnh xảy ra trong cuối nhiệm kỳ, nhưng Chính phủ vẫn vững vàng. Chính phủ năng động, sáng tạo, chủ động trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, quyền hạn theo hiến định và luật định.

Chính phủ có những ưu điểm, nhược điểm gì?

– Ưu điểm: Trong quản lý, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng…

– Tồn tại, hạn chế: Kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuẩn bị một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trường hợp còn chậm. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm.

Trách nhiệm của một số bộ, cơ quan, địa phương trong phối hợp công việc chưa cao dẫn đến kéo dài thời gian xử lý; còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động tìm hướng đi mới, chưa phản ứng kịp thời trước những vấn đề phát sinh.

(Trích dự thảo báo cáo của Chính phủ)

LÊ KIÊN

Bài mới
Đọc nhiều