+
Aa
-
like
comment

Đề nghị bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc khi chữa cháy

28/06/2024 16:00

Về trang bị cho lực lượng chữa cháy, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc. Theo ông, đây là dụng cụ đặc biệt hữu dụng khi cứu nạn đối với nhà dân có lắp các khung sắt ‘chuồng cọp’.

Điều hành phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Luật) chiều 27-6, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các ĐB tập trung thảo luận, cho ý kiến về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; sự phù hợp của các quy định tại dự thảo Luật với pháp luật chuyên ngành; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu chiều 27-6. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu chiều 27-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Nêu nhận xét nhiều vụ cháy gây chết người thời gian qua, thực ra là liên quan tới thoát nạn, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhấn mạnh, phần lớn nạn nhân chết trong các vụ cháy là không tự thoát nạn được, khi lực lượng cứu nạn chưa đến kịp.

Theo ĐB, thoát nạn là “việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy, nổ, sự cố gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn, theo kỹ năng, hoặc theo hướng dẫn của người có trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ”. Như vậy thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Từ đó, ĐB đề nghị, Luật nên chia ra 5 phần chính, gồm phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.

“Nên bổ sung giải thích từ ngữ về thoát nạn và tên luật có thể được điều chỉnh thành Luật phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Luật cũng cần 1 chương riêng quy định về thoát nạn. Chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình, thao tác thoát nạn ở các không gian, vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn”, ông Cảnh kiến nghị.

Liên quan đến điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy, ĐB cho biết, nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ thì họ điều động cùng lúc cả 3 lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế. Đối với Việt Nam thì chưa đủ điều kiện để huy động cả 3 lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên, ĐB cho rằng việc huy động lực lượng y tế cơ sở ngay từ đầu sẽ giúp ích rất nhiều cho nạn nhân khi sớm được sơ cứu ban đầu.

ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng). Ảnh: QUANG PHÚC

“Tôi đề nghị quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi xảy ra cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn mà không cần yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh nói. Về trang bị cho lực lượng chữa cháy, ĐB đề nghị bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc. Theo ông, đây là dụng cụ đặc biệt hữu dụng khi cứu nạn đối với nhà dân có lắp các khung sắt “chuồng cọp”.

Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) lưu ý, cần bổ sung quy định các phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mà bị tổn hao hoặc nhà, công trình bị phá dỡ thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

“Đây là nội dung liên quan đến quyền về tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhưng quy định trong dự thảo còn chung chung và dự thảo cũng không có điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết”, ĐB nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Qua nghiên cứu các luật liên quan, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị cần nghiên cứu, thể hiện rõ hơn phạm vi điều chỉnh để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như gây khó khăn cho việc sắp xếp lực lượng, bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

ĐB cũng đề nghị tiếp tục rà soát các luật chuyên ngành và các luật sắp được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt, ĐB Tú Anh nhấn mạnh, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật là hết sức quan trọng. “Hiện nay, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thiếu thực tế, không khả thi”, ĐB bình luận.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều