+
Aa
-
like
comment

Đề nghị Bộ Công thương giảm 10-30% giá điện, xăng

26/09/2021 17:34

Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19, sáng 26/9. 

Đây là lần thứ hai trong 1,5 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID -19.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1,5 tháng qua, Thủ tướng đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh Chính phủ xác định chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Sớm công bố kế hoạch mở cửa

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua phản ánh của cộng đồng DN, hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi; tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.

Bộ Y tế tiếp thu, nghiên cứu một số kiến nghị của cộng đồng DN để sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm hoàn thành việc giảm miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế hoặc kế hoạch mở cửa. Địa phương cũng cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Còn những “nút thắt” cản trở tiếp cận chính sách hỗ trợ

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hội nghị gặp mặt doanh nghiệp ngày 8/8, Bộ đã chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Nghị quyết 105 ban hành với loạt điểm mới được các doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn họ đang phải đối mặt, để thích ứng dần với tình hình dịch bệnh.

Điều này được thể hiện qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong đó 81,4% hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã đồng ý với nhận định các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, trong báo cáo chuẩn bị hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn phản ánh của các doanh nghiệp cho biết vẫn còn những nút thắt trong thực thi Nghị quyết 105, gây cản trở doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Doanh nghiệp và hợp tác xã cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, đó là việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định, cần có hướng dẫn thực hiện rõ ràng hơn, vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính vì hiện nay, quy định giãn cách có thể gây ra khó khăn cho tiếp cận khách hàng, đối tác kinh doanh. Đặc biệt với thủ tục chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến, kiểm soát giấy đi đường.

Nêu cụ thể hơn, khảo sát của VCCI về thực thi Nghị quyết 105 cho thấy, ở một số địa phương, việc di chuyển bị kiểm soát bởi giấy đi đường nhưng thủ tục xin cấp lại khá phức tạp. Doanh nghiệp muốn xin giấy đi đường cho lượng nhỏ lao động cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp bảng lương của cả doanh nghiệp.

Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự test COVID -19, tự chịu trách nhiệm nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn về việc này. Chi phí xét nghiệm hiện là gánh nặng với doanh nghiệp nên việc được tự xét nghiệm giúp giảm đáng kể chi phí.

Hương Giang

Bài mới
Đọc nhiều