+
Aa
-
like
comment

Đề nghị bất ngờ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

10/02/2022 16:04

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đặt câu hỏi như vậy khi thảo luận với các doanh nghiệp, các đơn vị của ngành nông nghiệp… về mô hình lúa – tôm.

Lúa thơm-tôm sạch mục đích cuối cùng để làm gì? - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham quan mô hình lúa tôm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp An Khang tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 10/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đi thăm mô hình trồng “lúa thơm – tôm sạch” tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Cùng đi có Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Phong, giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Khang (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân), cho biết hợp tác xã thành lập từ năm 2020 với 49 thành viên, với mục tiêu sản xuất hiệu quả mô hình lúa chất lượng cao, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Hợp tác xã đã chủ động liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời tổ chức thực hiện liên kết sản xuất, Lộc Trời cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Lúa thơm-tôm sạch mục đích cuối cùng để làm gì? - Ảnh 3.
Cánh đồng lúa tôm ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạch Liêu – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi: “Trên cùng một đơn vị diện tích giữa lúa và tôm thì thu nhập loại nào cao hơn?”.

Ông Phong cho biết mô hình lúa tôm cho thu nhập cao hơn, còn trồng lúa thì chỉ bền vững.

Đối với vấn đề tiêu thụ tôm, lãnh đạo huyện Hồng Dân cho biết huyện nhiều năm mời gọi doanh nghiệp liên kết, các đơn vị cũng vào lấy mẫu để kiểm định an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn “lúa thơm – tôm sạch” nhưng do điều kiện giao thông khó khăn nên doanh nghiệp cũng chưa mặn mà. Hiện bà con vẫn chủ yếu bán qua thương lái.

“Sao hợp tác xã không làm luôn dịch vụ thu mua lúa tôm?” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Khang cho hay hợp tác xã chưa đủ năng lực để thu mua và chưa hiểu về con tôm nên chủ yếu bán qua thương lái. Hợp tác xã cũng đang liên kết với Lộc Trời để trồng lúa là chính.

Lúa thơm-tôm sạch mục đích cuối cùng để làm gì? - Ảnh 4.
Cánh đồng lúa tôm ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạch Liêu – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại buổi thảo luận sau đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề về sản xuất bao lợi nhuận, phát triển lúa thơm – tôm sạch mà nghe lu bu, rắc rối trong khi bao năm qua bà con đang làm ăn yên ổn. “Vậy quý vị giải thích làm vậy mục đích cuối cùng để làm gì?”.

Trả lời câu hỏi của bộ trưởng, ông Hồ Quang Cua cho hay, bộ trưởng dạy chúng ta làm nông nghiệp là phải làm kinh tế nông nghiệp, kiếm thu nhập càng nhiều càng tốt trên cơ sở xây dựng thương hiệu.

Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho hay đã làm đủ thứ nhưng hiện nay đang chọn cách làm hợp tác xã, đi lên từ từ, cùng làm chung, lời không nhiều nhưng chắc ăn bởi 3 yếu tố kỹ thuật, thay đổi tập quán và theo đội hình để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho hay mục tiêu cuối cùng là mang lại cuộc sống hạnh phúc ấm no cho người dân, đặc biệt là thu nhập.

“Muốn vươn lên làm giàu thì chúng ta phải chịu khó thay đổi tư duy, cách làm, nông dân hiện đại phải hòa nhập thị trường. Để giàu bằng con đường chính đáng thì xu hướng sắp tới bà con nông dân vào hợp tác xã thì con đường mới liên kết sản xuất, thay đổi tư duy để phát triển” – ông Thiều nói.

Lúa thơm-tôm sạch mục đích cuối cùng để làm gì? - Ảnh 5.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị in áo hình con tôm cua cho toàn Hợp tác xã An Khang với dòng chữ “Nhờ mày mà tao không đi Bình Dương” – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dẫn chứng một hình ảnh dòng người ở miền Tây rồng rắn lên Bình Dương có mặc áo in hình con tôm cua và dòng chữ “Vì mày mà tao đi Bình Dương làm lại từ đầu”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị in áo cho toàn Hợp tác xã An Khang với dòng chữ “Nhờ mày mà tao không đi Bình Dương”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngoài lợi nhuận, thu nhập thì sâu xa hơn nữa là cả một thế hệ người đi Bình Dương. Theo thống kê, có khoảng 1 triệu người ĐBSCL đi Bình Dương, kèm theo đó là những đứa trẻ ngồi giữa theo cha, mẹ để học hành mà không được hưởng không khí làng quê.

“Tương lai ở miền Tây chính là những đứa trẻ, tôi muốn chia sẻ để chúng ta hiểu được giá trị sâu xa, khi 10-20 năm nữa chứ đừng nhìn ở đám ruộng, con tôm để thôi thúc chúng ta làm bằng được, mặc dù có muôn vàn khó khăn trước mắt.

Tôi chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu rằng chúng ta cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới suy cho cùng là cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, không tôm lúa thì lúa cá, lúa cua…” – ông Hoan nói.

CHÍ TUỆ – CHÍ QUỐC

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều