+
Aa
-
like
comment

Để nghệ sĩ dỏm đùa cợt, tác oai tác quái: Chúng ta u mê hay quá dễ dãi?

Đăng Huy - 14/05/2021 12:34

Nghệ sĩ bán kem trộn kém chất lượng, quảng cáo thần dược, phát ngôn thiếu văn hóa trên sóng truyền hình… là những chuyện mà thời gian nhiều người bức xúc nhưng dường như bị bỏ lơ, ỡm ờ cho qua. Tuy nhiên, đến việc trắng trợn quảng cáo kêu gọi người mến mộ đầu tư vào tiền ảo thì chúng ta phải tỉnh thức và nhìn thẳng vào câu chuyện pháp lý.

Cẩn trọng với lời quảng cáo của nghệ sĩ

 

Sau một đêm “mưa” quảng cáo cho tiền ảo, nhận được sự phản ứng gay gắt, vạch mặt từ những người có hiểu biết, thì đồng loạt các nghệ sĩ lặng lẽ rút hết các status trên mạng xã hội. Tiền ảo là gì, tại sao Việt Nam cấm giao dịch tiền ảo và bao nhiêu người trở thành nạn nhân, bị lừa đảo mất trắng, tan cửa nát nhà vì đầu tư vào đây – chỉ cần một vài thao tác kiểm tra thông tin trên internet là ai cũng đều rõ. Nạn nhân kêu cứu đều có điểm chung: không biết trụ sở của công ty tiền ảo ở đâu, người nhận tiền là ai, nên mất tiền cũng không biết đâu mà tìm. Ấy thế mà, một nhóm nghệ sĩ hài như Anh Thư, kiêm bán hàng online như Bảo Lâm, người mẫu nội y Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn… lại quảng cáo, kêu gọi tham gia với con số lợi nhuận không tính bằng tiền Việt Nam, mà tính bằng tiền USD lên đến hàng chục triệu.

Điều lố bịch hơn hết là, khi quảng cáo cho loại “tiền ảo” này, thậm chí một số nghệ sĩ như Kiều Minh Tuấn – chồng cũ của Cát Phượng còn không biết tiền ảo là gì, giao dịch như thế nào, nhưng mặc nhiên xúi giục người hâm mộ mình tin mình mà lao vào. Lẽ dĩ nhiên, người trong giới showbiz là hiểu nhất lý do vì sao những nghệ sĩ trên lại “cố đấm ăn xôi” quảng cáo bất chấp cho tiền ảo như vậy. Đáp án không gì khác ngoài những khoản lợi nhuận, số tiền mà người ta nhận được đằng sau những hợp đồng quảng cáo đó.

Nhìn từ góc độ đạo đức, rõ ràng đang có một nhóm nghệ sĩ trên đang cố tình biến xã hội trở nên tha hóa, khi những khoản hời thu về từ quảng cáo bẩn đã giúp nghệ sĩ vui cười, sống cuộc sống sung túc, xa hoa – đối nghịch hoàn toàn lại là hình ảnh biết bao gia đình vì tin vào những lời quảng cáo sản phẩm dởm phát ra từ kim khẩu của nghệ sĩ nổi tiếng mà đã tiền mất tật mang, mái ấm gia đình tan vỡ.

Giá trị đạo đức bị xói mòn là điều ai cũng nhìn thấy, nhưng nguy hiểm hơn ở một nhóm nghệ sĩ hiện nay đó là hành vi và lời nói của họ đã và đang góp phần làm cho văn hóa đảo ngược, bạo lực xã hội có nguy cơ “lên ngôi” khi chính những người nghệ sĩ muốn hình thành “cộng hòa tự trị”, lập băng đảng “giang hồ” tự tung tự tác – muốn xử lý ai thì xử, sau hàng loạt tuyên bố của Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi: “Đụng đến nghệ sĩ là đụng ổ kiến lửa”, Cát Phượng đe nẹt cảnh báo “Đừng đụng đến nghệ sĩ”, chơi trội hơn cá nhân nghệ sĩ tự tuyên bố cho chính mình “Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm”. Nghe những yêu sách này thật hãi hùng, có cảm giác như “bề trên” nào đó đang thị uy, y hệch vua chúa thời phong kiến ra lệnh thứ dân.

Nay là năm 2021, sống trên đất nước Việt Nam nghệ sĩ tự cho mình là “vùng đất cấm” tác oai tác quái và đòi hỏi những “đặc quyền” riêng, là do các anh, các chị nghệ sĩ ảo tưởng “quyền lực nghệ sĩ” chăng?

Lời cảnh báo cho cộng đồng mạng.

Thời gian qua, hàng loạt các nghệ sĩ đã sai phạm nghiêm trọng, ngông cuồng nhưng dường như chưa một ai bị gọi tên, họ không bị phạt, và có lẽ điều đó đã khiến họ lầm tưởng rằng “pháp luật đi vắng”, hoặc trong mắt họ không có sự hiện diện của luật pháp. Họ nghiễm nhiên “hành nghề” mạnh mẽ hơn nữa – nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, thần dược mọc lên như nấm sau mưa!

Những người nghệ sĩ tiếp tay cho bọn gian thương, lừa đảo, trục lợi trên chính tính mạng của người hâm mộ nhẹ dạ, cả tin, đẩy biết bao gia đình vào cảnh tan cửa nát nhà là điều quá rõ. Nhưng chúng ta cũng cần hỏi ngược lại: Vì sao những nghệ sĩ trên lộng hành như thế?

Dù đau lòng nhưng nhìn thẳng vào sự thật, một phần chính chúng ta – khán giả, người hâm mộ đã quá dễ dãi với nghệ sĩ, vô tình “dung dưỡng” cho những tâm địa bất lương, để cái xấu, cái ác sinh sôi nảy nở, hình thành “ổ dịch” trong showbiz hiện nay.

Dĩ nhiên, những lộn xộn, nhiễu nhương của nghệ sĩ cần phải được chấn chỉnh và dẹp loạn. Cũng như bao ngành nghề có cung có cầu khác, nghệ sĩ sống được là nhờ có khán giả. Họ nhận được các đơn đặt hàng quảng cáo cũng bởi vì có một lượng người hâm mộ đông đảo. Nếu khán giả không ai ủng hộ các sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo láo, thổi phồng sự thật, thậm chí tẩy chay cả nghệ sĩ và sản phẩm được quảng cáo đó, thì tin chắc sẽ đào thải, loại khỏi xã hội.

Người nghệ sĩ một khi bị tẩy chay, không sống được trong lòng công chúng thì sẽ không còn đất diễn, không ăn cơm tổ nghiệp. Nghệ sĩ muốn sống với nghề, sống với đam mê, buộc phải thay đổi thái độ, nghiêm túc hơn với tác phẩm nghệ thuật, và tu dưỡng hơn về đạo đức.

Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam đừng thả lỏng quản lý nữa. Hãy siết chặt, xử lý nghiêm thậm chí cấm diễn, không cấp giấy phép cho nghệ sĩ có hành vi tha hóa đạo đức, phát ngôn vô văn hóa, truyền đạt những thông điệp tiêu cực cho cuộc sống, ảnh hưởng đến cộng đồng, tin chắc, không một nghệ sĩ nào muốn hành nghề mà dám vượt lằn ranh đỏ, vượt chuẩn mực và ứng xử vô văn hóa.

Nhìn sang đất nước Trung Quốc, dân số và nghệ sĩ đông thuộc top đầu của thế giới. Nhưng họ quản lý rất nghiêm mọi công dân và luật pháp được thực thi, siết chặt. Nghệ sĩ phát ngôn thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật – quảng cáo bán hàng gian dối, tư cách đạo đức có vấn đề đều bị soi và thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn, cấm trên sóng truyền hình, mạnh tay hơn còn cấm bán hàng qua livestream. Đây cũng là điều mà người dân Việt Nam đáng suy ngẫm!

Bộ Luật hình sự và Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về tội quảng cáo gian dối:

Điều 197, Bộ Luật hình sự quy định rõ: (1) Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. (2) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, Điểm A, khoản 5, Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định rõ: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ. Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.

Đăng Huy 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều