Để ‘ngâm’ văn bản, Bộ trưởng phê bình yêu cầu không được để cảnh ‘chợ chiều’
Trước tình hình nợ đọng văn bản Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tập trung rà soát, hoàn thiện trước ngày 20-3.
Sáng 26-2, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – tổ trưởng Tổ công tác – làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết và đề án trong chương trình công tác.
Báo cáo tình hình, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay còn nhiều văn bản nợ đọng như hướng dẫn thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp; hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo đối tác công tư; đánh giá tổng kết 30 năm khu công nghiệp và kinh tế Việt Nam… Tuy nhiên, đáng chú ý nhất văn bản còn “đọng lại” liên quan đến nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư.
Đại diện Vụ Công nghiệp (Văn phòng Chính phủ) – cơ quan thẩm tra, triển khai hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ – nêu khó khăn là còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc xây dựng nghị định. Đơn cử như việc đưa vào nhiều chủ thể trong giám sát đầu tư khiến cho các bộ ngành có ý kiến cho rằng không phù hợp.
Tuy nhiên, không chấp nhận việc chậm triển khai lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo nghị định này do thời gian để thực hiện khá dài, các ý kiến khác nhau nhưng không tiến hành họp bàn để thống nhất, ông Dũng cho rằng Nghị định nằm đọng lại là có trách nhiệm của cơ quan liên quan.
“Nợ đọng chậm là phải báo cáo bộ trưởng xử lý, chứ không để tủ để “ngâm” được, tôi phê bình vì để chậm và không được có tinh thần “chợ chiều trong nhiệm kỳ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay còn nợ Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư về đánh giá tác động môi trường sơ bộ; Nghị định thi hành luật xử phạt vi phạm hành chính về môi trường; Nghị định về đất quốc phòng an ninh phối hợp với sản xuất, kinh tế
Đại diện Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) cho biết Nghị định về đất quốc phòng đã trình dự thảo, lấy ý kiến nhưng hiện nay còn một số ý kiến quan trọng của Bộ Công an, Quốc phòng, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư… chưa có ý kiến. Trước tình trạng này, Bộ trưởng Dũng đề nghị các cơ quan soạn thảo phải “gọi điện trực tiếp” cho lãnh đạo các bộ quan trọng để lấy ý kiến.
Kết luận buổi làm việc, ông Dũng khẳng định quyết tâm hoàn thành 100% nhiệm vụ còn nợ đọng. Theo đó, Văn phòng Chính phủ sẽ đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, phối hợp giữa các vụ để hoàn thiện sớm theo đúng kế hoạch.
“Tinh thần chốt lại 3-3 các văn bản sẽ hoàn thành báo cáo để xin ý kiến Chính phủ. Các vấn đề còn khác nhau sẽ báo cáo sớm để xin ý kiến xử lý. Chậm nhất 20-3, trước khi kỳ họp Quốc hội khóa XIV họp phải hoàn thành các văn bản nợ đọng, quyết tâm là không còn văn bản nào” – Bộ trưởng nhấn mạnh việc sớm hoàn thiện cũng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hoàn thành mục tiêu kép.
Tiến độ soạn, trình văn bản quy định chi tiết còn chậm
Theo Văn phòng Chính phủ, đến ngày 31-12-2020 có 6 văn bản chi tiết còn nợ đọng, nhưng tình hình không được khắc phục, chấn chỉnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, tiếp tục phát sinh nợ đọng mới, tăng lên 18 văn bản đến ngày 25-2.
Về nhiệm vụ được giao, trong quý I-2021 có 89 đề án phải trình, trong đó có 21 đề án giao trong Nghị quyết 01, nhưng đến ngày 25-2, các bộ và cơ quan mới trình 21 đề án, còn 68 đề án chưa trình, trong đó có 11 đề án nợ đọng.
Đồng thời, các bộ và địa phương có 647/25.247 nhiệm vụ được giao quá hạn chưa thực hiện, chiếm 2,5%, tăng 0,7% so với tháng 12-2020. Như vậy, từ nay đến tháng 3-2021, các bộ và cơ quan phải hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 85 văn bản và hoàn thành 637 nhiệm vụ được giao đã quá hạn.
Văn phòng Chính phủ đánh giá, tiến độ soạn, trình các văn bản quy định chi tiết còn rất chậm, chưa đáp ứng công tác tổ chức thi hành pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Do đó, cơ quan này đề nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm sự chỉ đạo và giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng với công tác xây dựng, ban hành văn bản.
N.An