Để mất Ukraine là “nỗi cay đắng” nhất của Nga
Cẳng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết. Những cuộc xung đột giữa quân đội quốc gia Ukraine và các lực lượng ly khai tại miền đông Donbass mà chính quyền Ukraine nói là do Nga hậu thuẫn vẫn đang ngày một leo thang dữ dội hơn. Dù Nga thông báo sẽ rút quân, nhưng miền đông Ukraine vẫn nổ súng. Những ngày qua, Hạ viện Nga còn kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai vùng ly khai tại Ukraine là quốc gia độc lập. Và nếu Tổng thống Putin lên tiếng ủng hộ, đó sẽ thời khắc mà lãnh thổ Ukraine chính thức bị chia cắt. Một điều dễ thấy là Moskva chỉ muốn giữ Ukraine nằm trong tầm kiểm soát của mình nhằm làm “vùng đệm” ngăn cách giữa mình với NATO và phương Tây, chứ không phải là xâm phạm thô bạo vào lãnh thổ Ukraine.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao phía Nga lại đối xử mạnh mẽ với Ukraine như vậy? Chẳng lẽ tất cả nguyên nhân chỉ là vì Ukraine đã ngả theo NATO hay đằng sau đó còn có lý do nào khác? Vì sao Nga nhất quyết muốn Ukraine nằm trong sự kiểm soát của mình, và rốt cuộc thì Ukraine có gì mà hấp dẫn được Nga đến vậy?
Sau đây là 3 lý do chính khiến Moskva luôn muốn giữ KIev trong tầm kiểm soát của Nga.
Lý do thứ nhất: Sự tan rã của Liên Xô
Điều đầu tiên, đó là Moskva muốn lấy lại vị thế như thời Liên Xô. Liên Xô chỉ mới tan rã được hơn 30 năm, và dù gì Nga cũng đã từng là trung tâm của Liên Xô thời đó. Thời Liên Xô, có thể nói, chính Nga mới là bên đã làm nên lịch sử, chứ không phải phương Tây. Tuy nhiên, sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Nga đã để mất đi sự kiểm soát đối với 14 quốc gia, sự mất mát này đã đi cùng với sự suy giảm vị thế của Nga, khiến ông Putin nhiều lần phải buông lời tiếc nuối. Vị Tổng thống nước Nga từng thẳng thắn khẳng định rằng “Ai không tiếc nuối Liên Xô, thì người ấy là kẻ không có trái tim”.
Và nếu bạn chưa biết, thì tại Nga hiện nay, phần lớn người dân vẫn thương nhớ Liên Xô. 67% người Nga bày tỏ tiếc nuối về sự sụp đổ của nhà nước Liên bang Xô viết. Đây là kết quả của cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu ý kiến dư luận toàn Nga thực hiện hồi đầu năm 2021. Thậm chí, nếu dựa theo kết quả nghiên cứu mà thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn lãnh thổ nước Nga, thì các nhân viên cho rằng sẽ có đến 73% người Nga bỏ phiếu ủng hộ việc duy trì Liên Xô. Khi các nhà nghiên cứu hỏi về nguyên nhân, 54% trong số những người hối tiếc về sự kết thúc của Liên Xô nói rằng, họ nhớ về hệ thống kinh tế, sự mạnh mẽ thời Xô Viết, 36% nói họ mất đi cảm giác thuộc về một siêu cường thực sự.
Đích thân ông Putin cũng đã nhiều lần đề cập đến sự sụp đổ của Liên Xô trong các bài phát biểu của mình trước báo chí. Phát biểu trước Quốc hội Nga năm 2005, ông Putin gọi đây là “thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20” và là nguyên nhân gây gián đoạn lớn nhất đối với người Nga. Điều quan trọng nhất, khiến người Nga lẫn ông Putin nhói lòng hơn nữa, chính là việc nhiều quốc gia trước đây từng là một phần của Liên Xô, nay lại ngả theo phương Tây để trở thành “vùng đệm” để NATO triển khai quân sự bao vây Nga. Với vị thế một cường quốc, cảm giác của người Nga có thể nói giống như một sự phản bội không thể nuốt trôi. Do đó, không quá khó hiểu vì sao Nga hiện nay lại “vây ép” Ukraine đến như vậy.
Không chỉ vì lo lắng sự mở rộng của khối NATO, mà còn sâu bên trong tâm thức, Nga chưa nguôi ngoai cơn giận với các quốc gia đã từng một thời trong liên bang nay lại chủ trương ngả theo phương Tây. Do đó, khi đã dần lấy lại được vị thế như ngày nay, Nga sẽ không để Ukraine, một quốc gia có chung đường biên giới đông tây, nối gót các quốc gia đi trước. Nắm được Ukraine trong lòng bàn tay, Nga sẽ ngăn cách được mình với NATO. Đặt Ukraine nằm trong tầm kiểm soát của mình, xoay Ukraine như một con cờ sẽ là cách để Moskva đạt được nhiều lợi ích hơn và lấy lại vị thế như thời Liên Xô. Tổng thống Vladimir Putin từng nhiều lần khẳng định ông không có ý định khôi phục Liên Xô. Nhưng đừng tưởng vì thế mà Nga không ôm tham vọng lấy lại vị thế vốn có của họ thời Liên Xô còn tồn tại. Điều khác biệt chỉ là ngày nay, Nga đang đi theo một hướng mới, dùng “đất mẹ Nga” rộng lớn tạo sự ảnh hưởng lên các quốc gia xung quanh, dùng các nước như quân cờ để đạt được nhiều lợi ích thay vì phải thành lập một liên bang như thời Xô Viết.
Lý do thứ hai: Quan hệ lịch sử
Thật ra, trong số 14 quốc gia tách ra khỏi Liên Xô thì Ukraine vẫn là sự mất mát cay đắng nhất với Nga. Sự tức giận của Nga được thể hiện qua quyết tâm lấy lại bằng được bán đảo Crimea vốn đã được Liên Xô chuyển giao cho Ukraine quản lý vào năm 1954. Nhiều người ở Nga hiện nay vẫn cảm thấy giữa mình và Ukraine tồn tại một mối liên kết mà họ không cảm nhận được đối với các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ. Hai quốc gia có mối quan hệ máu mủ, ruột rà và sử dụng ngôn ngữ gần giống nhau từ suốt thế kỷ thứ 9 đến nay. Trong mắt một bộ phận lớn người Nga, Ukraine đã từng là anh em một nhà. Và điều này càng khiến cho Nga không muốn Ukraine rời xa mình. Chính ông Putin cũng từng nói rằng người Nga và người Ukraine vốn là cùng một dân tộc mà ra, cùng chia sẻ “một không gian lịch sử và tinh thần duy nhất”.
Khi nghe những lời trên, phương Tây đã cáo buộc ông Putin có dã tâm muốn chiếm Ukraine. Song, trên thực tế Nga và Ukraine thật sự đến từ một quốc gia hùng mạnh. Đó là đại công quốc Kiev Rus’, tồn tại vào thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13 trước khi bị Mông Cổ tiêu diệt. Chính sự tan rã của Kiev Rus’ đã hình thành nên các dân tộc Nga, Ukraine và Belarus như hiện nay. Cho nên nói Ukraine và Nga là “anh em” cũng không sai về mặt lịch sử.
Thời hậu Thế chiến thứ hai, Liên Xô còn giành tới 20% ngân sách để đầu tư vào Ukraine. Nhà nước Xô viết Ukraina cũng vì thế mà nhanh chóng trở thành một nước dẫn đầu châu Âu về sản xuất công nghiệp và là trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp vũ khí và nghiên cứu kỹ thuật cao của Liên xô.
Kiev thời bấy giờ vẫn có trong tay kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, một đội máy bay ném bom chiến lược liên lục địa với tốc độ siêu âm đáng gờm. Không chỉ thế, các công nghệ liên quan đến động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình không gian của Liên Xô tại Ukraine cũng được săn đón trên toàn thế giới. “Kho báu” mà Liên Xô để lại cho Ukraine, không chỉ hấp dẫn các quốc gia có chương trình tên lửa đang phát triển như Iran và Triều Tiên mà trong đó còn có cả Nga.
Và cũng chính vì những lý do trên mà đối với Ukraine, cảm giác bị phản bội trong lòng nước Nga cao đến mức không thể tưởng tượng. Hay nói cách khác, việc Ukraine ngả theo phương Tây sẽ khiến cho nước Nga có cảm giác đau như xé thịt. Nói Ukraine hận Nga cũng đúng. Nhưng nói Nga có hận Ukraine không, thì cũng có. Hai dân tộc cứ thế mà mâu thuẫn với nhau chưa có lấy một ngày hòa thuận kể từ khi Liên Xô tan rã đến nay.
Lý do thứ ba: NATO
Lý do cuối cùng khiến Nga phải “mạnh tay” với Ukraine là vì tâm lý chống đối Nga ở Ukraine hiện nay dâng cao. Người Ukraine dù có chung nguồn gốc thì qua chiều dài lịch sử cũng đã hình thành một bản sắc riêng và thậm chí ngày nay, họ còn mang một tâm lý chống đối nước Nga cực kỳ mạnh mẽ. Và cũng chính vì điều đó càng làm cho Nga có động lực đặt Ukraine nằm trong tầm ảnh hưởng của mình: Quyết không cho Ukraine ngả theo phương Tây. Ở Ukraine, đa phần người dân ủng hộ một mối quan hệ nồng ấm với phương Tây và phản đối xích lại gần Nga. Song, tâm lý ghét người Nga đã đi quá giới hạn của nó và tạo nên hiệu ứng ngược cho cả người dân và đất nước Ukraine. Kể từ khi cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị buộc phải từ chức hồi năm 2014 thì Kiev đã ngày càng xích lại gần hơn với phương Tây. Thậm chí còn tổ chức nhiều cuộc tập trận chung với NATO. Và điều này đe dọa đến an ninh của Nga. Thẳng thắn mà nói là “nhờ” NATO mà Nga càng có thêm lý do để “hỏi thăm tình hình sức khỏe” Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng: “Việc Mỹ và NATO xây dựng lực lượng quân sự sát biên giới Nga là mối quan ngại lớn. Dù chưa phải là thành viên NATO, nhưng Ukraine đã được hứa hẹn sẽ được cho gia nhập”.
Ông Putin cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Mối quan hệ thân thiết ngày càng tăng giữa Ukraine và NATO có thể biến nơi này trở thành bệ phóng cho tên lửa NATO nhắm vào Nga. Ông Putin muốn có sự đảm bảo về an ninh từ phương Tây, đó là ngưng mở rộng về phía đông, tổ chức các cuộc diễn tập quân sự với các quốc gia Baltic. Và quan trọng nhất, đó là phải hủy bỏ lời hứa cho Ukraine gia nhập NATO. Bằng không, Nga buộc phải tìm cách để bảo vệ mình. Với cương vị là Tổng thống của một cường quốc quân sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không chấp nhận việc một quốc gia vừa là anh em, vừa từng dành không biết bao nhiêu tiền của để nuôi dưỡng và còn từng nằm trong tầm ảnh hưởng của mình, lọt vào tay NATO, một cách quá dễ dàng và vênh váo như vậy.
Huy Hoàng