+
Aa
-
like
comment

Để không còn những lời xin lỗi trong kỳ họp Quốc hội lần sau

11/11/2019 16:15

Ghi nhận tinh thần thẳng thắn, thái độ nghiêm túc, tiếp cận hầu hết những vấn đề quốc kế dân sinh của các Tư lệnh ngành, nhưng đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn mong muốn ít phải nghe lời xin lỗi, những lời hứa phải trở thành hiện thực.

Phải nói rằng những đổi mới trong hoạt động Quốc hội đã nâng tầm các phiên chất vấn của Quốc hội chất lượng hơn, hấp dẫn hơn và hiệu quả hơn. Dẫu vẫn còn câu hỏi dài dòng, vòng vo, nhưng cơ bản đã có tầm bao quát, đúng trọng tâm, trọng điểm, trúng ý nguyện của dân. Dẫu vẫn còn những câu trả lời chưa thật tuyết phục nhưng đã thấy được tâm huyết, trách nhiệm của người được chất vấn. Đặc biệt thể thức hỏi nhanh, đáp gọn với những tấm biển tranh luận được giơ lên từ hàng ghế đại biểu trên nghị trường đã cho thấy một Quốc hội thật dân chủ, năng động và hành động.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đăng đàn đầu tiên tại phiên chất vấn lần này và được chấm điểm là trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề của nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đưa ra những giải pháp, lời hứa trước Quốc hội và cử tri với 3 nhiều đó là biết nhiều, đi nhiều và tham gia nhiều.

Đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn mong muốn ít phải nghe lời xin lỗi, những lời hứa phải trở thành hiện thực.
Đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn mong muốn ít phải nghe lời xin lỗi, những lời hứa phải trở thành hiện thực.

Trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh được đánh giá là trả lời rõ ràng, rành mạch, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành và thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Với những vấn đề rất nóng như là tinh giảm biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính, giấy phép con về văn bằng, chứng chỉ, về công tác cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân được cho là trả lời cụ thể không né tránh dám nhận trách nhiệm trước Quốc hội, Thủ tướng về các vấn đề Bộ chưa triển khai với tinh thần cầu thị. Đồng thời đưa ra giải pháp để hiện thực hóa lời hứa.

Lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tập trung vào vấn đề phát triển mạng xã hội Việt Nam với cam kết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.

Tuy vậy đại biểu và cử tri cần nhiều hơn thế. Bởi hầu như kỳ họp nào, phiên chất vấn nào cũng thấy xuất hiện quá nhiều lời xin lỗi, quá nhiều lời hứa cho một vấn đề đã trở thành xưa cũ. Nó được ví như món nợ xấu của các bộ ngành với đất nước, với nhân dân. Nói là nợ xấu bởi vấn đề thường được lặp đi, lặp lại. Hứa từ năm nay, phiên chất vấn này, sang năm khác, phiên chất vấn khác. Nói là nợ xấu bởi lời hứa, lời xin lỗi có thừa nhưng lại thiếu giải pháp thực hiện hoặc chung chung không cụ thể, không khả thi. Nói là nợ xấu là bởi dù không thiếu chỉ đạo, không thiếu giải pháp, thậm chí được ghi trong Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những vấn đề ấy, sự việc ấy chưa được giải quyết, nếu không muốn nói là được người có trách nhiệm lãng quên.

Năm chắc, nắm chặt vấn đề là một chuyện, làm gì để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất, đáp ứng mong mỏi của cử tri lại là chuyện khác. Đôi khi hai phạm trù dường như hai đường thẳng song song – mãi không không cắt nhau!
Nếu hỏi rằng, nghịch cảnh nông dân được mùa mất giá có từ bao giờ? Chắc chắn sẽ có ngay câu trả lời. Nhưng nếu hỏi, tình trạng này bao giờ kết thúc, thì e rằng khó.

Bộ trưởng đã có giải pháp vĩ mô “tập trung khâu chế biến”, “kêu gọi doanh nghiệp đổ vốn đầu tư”. Nhưng thú thực, nền nông nghiệp Việt Nam xưa nay được chèo chống bởi hàng chục triệu nông dân, đa phần chưa biết thế nào là “chế biến sâu”, “chuỗi liên kết”, “cánh đồng lớn”, “công nghệ cao”…

Lĩnh vực của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn còn đó nhiều mối tơ vò. Dự án điện khí Bạc Liêu đã 12 tháng từ khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó nguy cơ thiếu điện được “rung chuông” liên tục.

Có lẽ vì sốt ruột mà Chủ tịch Quốc hội ngắt lời Bộ trưởng, quả quyết “Bao giờ giải quyết, hiện rất chậm – tới 18 tháng và các thủ tục đầu tư, ý kiến Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đủ. Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không”.

Bộ trưởng Công thương có dám chắc các cán bộ của mình trong lĩnh vực Quản lý thị trường đã làm tròn nhiệm vụ chống hàng giả, hàng lậu?

Phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội là cơ hội để người được chất vấn khẳng định cái tầm, cái tâm của người lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu khi các vấn đề nhanh chóng được giải quyết, tạo niềm tin cho người dân, khi những ý kiến, kiến nghị của họ được xem xét, được đối thoại một cách thẳng thắn, công khai, dân chủ trên diễn đàn của nghị trường Quốc hội. Và người dân chấm điểm Bộ trưởng, Trưởng ngành không chỉ qua những gì họ nghe, họ thấy trên nghị trường. Không chỉ là những vấn đề trước mắt mà quan trọng là hành động thực hiện lời hứa trước đó với những giải pháp trong cam kết lời hứa ở phiên chất vấn lần này

Chỉ khi nào những lời xin lỗi, những lời hứa và cam kết trở thành hiện thực, chỉ khi nào người đứng đầu thực sự trách nhiệm cho những tồn tại, hạn chế của ngành để đưa ra giải pháp nhanh chóng và hiệu quả. Và chỉ khi nào Quốc hội đi tới cùng việc giám sát thực hiện lời hứa thì phiên chất vấn của Quốc hội mới thực sự có ý nghĩa và nhân dân trọng vẹn niềm tin

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều