+
Aa
-
like
comment

Để không còn công an giả, quân đội giả “mọc” đầy đường

Hải Anh - 28/12/2021 16:50

Hiện nay các trang mạng xã hội bán tràn lan những bộ quân phục: Công an, Cảnh sát, Dân quân tự vệ, Quân đội… mà không được kiểm soát. Một số đối tượng xấu đã mua những bộ quân phục trên để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang cho dư luận. Đồng thời là cơ sở để những đối tượng chống phá lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt thông tin làm xấu hình ảnh của lực lượng Công an, Cảnh sát.

2 đối tượng bị bắt giữ vì hành vi giả mạo công an

Đơn cử, ngày 27/11, Công an quận 4, TP.HCM cho biết đang hoàn tất hồ sơ xử lý Phạm Tiến Hùng (SN 1989), Trương Hồng Thái (SN 2005) và Nguyễn Thành Thắng (SN 1992, cùng ngụ quận 4) về hành vi giả danh Cảnh sát hình sự và cướp tài sản.

Ngày 4/8, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự nhóm đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Nhóm người yêu cầu dừng xe, đe dọa đưa người vi phạm luật giao thông cũng như các quy định chống dịch về trụ sở phường gần nhất để xử lý, với mục đích làm cho người vi phạm sợ, phải đưa ra một số tiền để được bỏ qua lỗi.

Hay mới đây, Công an thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phát hiện đối tượng Dương Hoàng Việt Anh giả danh Công an nhân dân với cấp hàm thiếu tá cùng với một số đối tượng khác đang tụ tập đông người để ăn nhậu.

Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình của tình trạng sử dụng quân phục Công an, Quân đội để giả dạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các đối tượng còn thực hiện các hành vi phạm tội tinh vi khác như: Chạy án, chạy việc, xin giấy phép, giấy tờ, lừa tình, tỏ thị uy với mọi người… Thủ đoạn chung của những đối tượng này, là lợi dụng uy tín, sự tin yêu của Nhân dân với cán bộ Công an, chiến sĩ quân đội, để từ đó tạo dựng lòng tin và thực hiện lừa đảo khi có cơ hội.

Việc các đối tượng xấu dễ dàng thực hiện hành vi giả danh, mạo danh cán bộ quân đội là do việc mua bán các mặt hàng quân trang giả, nhái hiện nay đang khá tự do mà chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, mức phạt dành cho người mua bán mới chỉ dừng ở phạt hành chính, còn người mua hàng để thực hiện hành vi phạm tội cao nhất là 20 năm tù. Mức phạt này có vẻ vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thực tế, trên các trang mạng xã hội, việc rao bán quân trang, quân phục Công an, Cảnh sát cơ động, Quân đội… diễn ra công khai. Chỉ cần vào các trang mạng xã hội gõ từ khóa “trang phục công an”, “mua trang phục công an”, “quân phục công an” là hàng loạt các kết quả tìm kiếm hiện liên các shop, cửa hàng bán mặt hàng này.

Thiết nghĩ, nếu không ngăn chặn được tình trạng mua bán quân phục, quân trang dùng cho ngành công an, quân đội thì rất khó dẹp việc giả danh công an, sĩ quan để lừa đảo. Vì vậy, cần tăng cường phối hợp rà soát, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng trái phép quân trang, quân phục. Đồng thời cần quy định lại mức phạt dành cho những người thực hiện hành vi vi phạm này. Bởi chi khi có mức phạt thật nặng mới có thể ngăn chặn tội ác nguy hiểm này. Và chính địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn bán quân phục quân trang một cách hiên ngang (như này bày bán trực tiếp tại cửa hàng) thì lãnh đạo địa phương phải bị xử lý.

Đồng thời, cơ quan Quản lý thị trường từ cấp TƯ đến địa phương cần có trách nhiệm giám sát, phát hiện, xử lý vấn nạn mua bán tự do quân phụ, thiết bị của ngành CAND.

Hải Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều