Để không còn chuyện báo cáo láo, lừa dối người dân…
Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô ngày 19/07/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp được gửi đến Quốc hội, cho biết: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”. Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như dư luận không phát hiện ra một sự thật động trời khi những con số này được cóp nhặt trên mạng từ năm 2005.
Trả lời báo chí về vấn đề này, một Thứ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan khi tổng hợp số liệu về chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội: “Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ TN&MT và báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi đến không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí. Một bài báo ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng không dẫn nguồn năm nào, nên anh em chủ quan đưa vào”.
Mặc dù trách nhiệm cung cấp số liệu trên thuộc Bộ TN&MT và UBND TP Hà Nội thế nhưng “sơ suất” này nhìn nhận dưới bất kỳ góc độ nào cũng đều khó chấp nhận được. Một báo cáo thống kê để trình trước Quốc hội mà các vị lại đi cóp nhặt trên mạng, không thèm xem ngày tháng, số liệu của năm nào để rồi đổ lỗi là do “anh em chủ quan”. Một báo cáo liên quan đến sự phát triển của thủ đô, đến hàng triệu người dân, đến việc đề ra những quyết sách lớn của Chính phủ mà trả lời một cách trên trời như vậy thôi ư? Sẽ thế nào khi số liệu này được Quốc hội thông qua, được đưa vào nghiên cứu và rồi đưa ra chính sách cho người dân?
Trước đây, một số trường hợp xảy ra tại cơ quan nọ, bộ, ngành kia khi dùng số liệu của năm trước để đưa vào báo cáo năm nay. Và cứ ngỡ là với những phát hiện đó thì những chuyện tiêu cực động trời tương tự sẽ được rút kinh nghiệm, tình trạng báo cáo dối trên lừa dưới sẽ được chấm dứt. Nào dè lần này là số liệu báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường lại là của 15 năm trước.
Chuyện làm báo cáo kiểu cho có, không đúng sự thật, không trung thực hoặc tô hồng, làm đẹp báo cáo ở trên sẽ dẫn đến không phản ánh đúng tình hình thực tế, gây khó khăn cho việc đề ra giải pháp, quyết định chủ trương, chính sách, gây nhiều hệ lụy, hậu quả khôn lường về kinh tế, xã hội.
Vậy nên không thể cho qua đơn giản hay chỉ là rút kinh nghiệm là xong mà cần nhìn thẳng vào sự thật, phải xử lý, quy trách nhiệm cho từng cá nhân, cơ quan coi thường người dân, Quốc hội và làm mất uy tín của Chính phủ. Song nhìn đến cùng thì việc xử lý những cá nhân, đơn vị cũng chỉ là giải pháp vá lỗ hổng tạm thời chứ chưa phải là căn cơ. Thiết nghĩ, cần có một cổng thông tin chung của Chính phủ tổng hợp lại tất cả những báo cáo, thống kê số liệu của từng năm, của các bộ, ban, ngành, địa phương; về từng lĩnh vực cụ thể, để hỗ trợ cho những người làm công tác thu thập số liệu. Và hơn hết, cứ công khai mọi con số lên mạng xã hội để tất cả mọi người dân đều nắm rõ. Chỉ khi nào những thống kê được minh bạch như vậy thì mới mong có được số liệu chính xác, và không còn tình trạng báo cáo láo nữa.
Thế Khoa