Để không chạy về nơi nước trũng!
Khi dịch đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ, người lao động ở TP.HCM rơi vào cảnh mất việc, giãn cách xã hội khiến con đường mưu sinh ách tắc. Nỗi lo về cơm áo gạo tiền thôi thúc họ tìm cách di tản, rời bỏ khu vực kinh tế lớn nhất nước để trở về quê, tạo nên làn sóng di cư bất đắc dĩ chưa từng có. Nhiều người cũng đang cân nhắc chọn lựa có tiếp tục ở lại thành phố hay không?
Có thể nói, giống như cơ thể con người lúc khỏe mạnh thì cũng có lúc ốm đau. 4 thập kỷ đi qua, TP.HCM đã cho thấy sức khỏe bằng sự phát triển năng động, toàn diện tốc độ tăng trưởng kinh tế và đời sống vật chất. Trở thành đầu tàu kinh tế khi đóng góp tới 25% GDP cả nước, tạo việc làm cho 140.000 người mỗi năm. Nhưng dịch bệnh đã khiến mọi thứ đảo lộn…
Là một người lao động đang sinh sống và làm việc tại trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông, giao thương nhộn nhịp bậc nhất khu vực phía Nam và cả nước, tôi phần nào hiểu được tâm trạng người lao động khi đứng trước đôi ngả lựa chọn. Có lẽ, những người lao động xa quê sau thời gian vật lộn với đại dịch đã quá mệt mỏi. Không còn đủ sức trụ lại nữa, họ chọn giải pháp rời bỏ nơi đã cưu mang bản thân nhiều năm nay, trở về quê hương, sống đời “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” bên cạnh gia đình, làng xóm.
Tuy nhiên theo chia sẻ từ ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, “các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu nhiều công nhân do lao động ở các đơn vị này giảm khoảng một nửa so với giai đoạn trước ngày 1/10”. Chính vì vậy, tôi mong rằng người lao động chưa rời đi, đừng vội quyết định mà hãy suy nghĩ thật chu toàn để không bỏ lỡ cơ hội hồi phục cùng thành phố.
Dẫu biết còn nhiều khó khăn, nhưng sau gần 3 tháng thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, đến thời điểm hiện nay, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố đã được phép hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp, xí nghiệp và cả những ngành, lĩnh vực trước đó đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh đang dần được phục hồi. Đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nhân lực, máy móc thiết bị để sớm khôi phục hoạt động.
Cùng với đó là tỷ lệ bao phủ vaccine cao, tính đến ngày 03/10/2021, thành phố đã tiêm được 11.314.301 mũi tiêm, trong đó 4.366.864 người tiêm mũi 2. Tỉ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là 96,4%, người tiêm đủ 2 mũi là 60,6%, người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 69,1%. Đặc biệt, quận 5 và quận 11 là hai địa phương đầu tiên đạt tỉ lệ tiêm 100%.
Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) dự kiến, nhu cầu nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 cần khoảng 270.000 – 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới.
Ai cũng mong muốn người lao động sẽ cuộc sống ấm no, đủ đầy, được làm việc trong môi trường an toàn sau đại dịch đi qua. Chính quyền thành phố và doanh nghiệp đang từng ngày, từng giờ nỗ lực thực hiện mong muốn đó. Hãy tin tưởng thêm một lần nữa. Đừng vội từ bỏ! Đừng vội rời đi!
Diệu Hương