Để biến cao tốc Bắc – Nam thành đòn bẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam là công trình trọng điểm quốc gia, giúp kích thích nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid – 19. Dự án đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là trong bối cảnh Chính phủ trình Quốc hội phương án đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 – 2025 bằng vốn ngân sách, bỏ qua phương thức PPP. Đây được xem là một trong các giải pháp để hỗ trợ, kích thích nền kinh tế từ dòng vốn đầu tư công.

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, với mục tiêu thu hút tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư đường bộ cao tốc, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư toàn bộ các dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 cho thấy phương thức PPP không còn khả thi.

Lý giải về việc chuyển đổi sang đầu tư công, bỏ qua phương thức PPP đối với 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nếu triển khai toàn bộ các dự án theo phương thức PPP, khả năng thành công sẽ không cao. Có thể phát sinh các tình huống không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng, từ đó có thể làm chậm tiến độ. Nhiều năm qua, các công trình lớn, hạ tầng bị đình trệ đều ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.

Bên cạnh đó, dự án chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính. Nguyên nhân là các dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lãi vay ngân hàng ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với thế giới (lãi suất trên thế giới trung bình chỉ 2 – 3%/năm, ở Việt Nam khoảng 11%/năm). Mặc khác, trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh thu của dự án có thể bị sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố khó đoán định. Từ đó, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá các dự án đầu tư đường bộ cao tốc theo phương thức PPP là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên rất e dè, cân nhắc khi tham gia các dự án PPP mới.

Ngoài ra, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế – xã hội, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tăng tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro… nên hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn càng hạn hẹp. Từ đó dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn cho các dự án PPP hạ tầng giao thông.

Mặt khác, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang đầu tư công, bỏ qua phương thức PPP đối với 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 – 2025 trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án lên rất nhiều, vì giảm được thời gian kêu gọi đầu tư, đấu thầu chọn nhà đầu tư. Cùng với đó là Nhà nước sẽ đảm bảo được nguyên tắc là dự án cấp bách, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên tuyến. Đồng thời, trong quá trình vận hành cũng sẽ đảm bảo không còn xảy ra chuyện các nhà đầu tư tự ý đặt các trạm BOT như thời gian trước.

Một lý do nữa là, tổng mức đầu tư Dự án cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được đề cập tại Tờ trình số 519/TTr-CP giảm khoảng 3.000 tỷ đồng so với phương án tại Tờ trình 11792/TTr-BGTVT nhờ không mất chi phí lãi vay cho 4 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, kinh nghiệm các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.

Thực tế ở nước ta, các địa phương có đường cao tốc kết nối đều đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho các địa phương.

Việc đầu tư hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao trên hành lang kinh tế, giải quyết hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, nhất là Quốc lộ 1 không thể khắc phục (đi qua nhiều khu đông dân cư, lưu thông hỗn hợp các phương tiện, tốc độ khai thác thấp,…).

Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ có thể tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Do vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biễn rất phức tạp, để tạo đà để phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế đất nước giai đoạn 2021 – 2025, thì việc chuyển từ phương thức PPP sang đầu tư công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông là giải pháp thiết thực. Đây là sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực. Đồng thời, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, tăng tiêu thụ hàng hóa, thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều bất định, việc đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng ngân sách vào các dự án quan trọng trong dài hạn thực sự cần cân nhắc kỹ. Vì Việt Nam chưa phải là quốc gia rủng rỉnh về ngân sách, kích cầu sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng cần lưu ý các khoản đầu tư công lúc này phải thực sự hiệu quả, có tính lan tỏa, điều kiện thực thi phải đáp ứng yêu cầu sử dụng vốn đầu tư hiệu quả cao nhất.

Để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam bắt buộc phải minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực tài chính. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đã được phân cấp trong quản lý, phân bổ vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá và kiểm tra, thanh tra đầu tư công, nhất là sự giám sát của người dân và cộng đồng. Các dự án đầu tư nên được theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả. Ngoài ra, cần thực hiện giám sát ngay từ khâu lập dự án, thẩm định, bố trí vốn đầu tư, đảm bảo tuân thủ theo các quy định pháp luật và quy hoạch, kế hoạch được duyệt; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm phát sinh.

Mặt khác, cần kiên quyết thu hồi các khoản tạm ứng và xử lý dứt điểm nợ tồn đọng. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần phải giải phóng mặt bằng sạch trước khi tổ chức thi công; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào dự án; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Nói tóm lại, việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong bối cảnh hiện nay sẽ là giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Thực hiện: Diệu Hương

Đồ họa: M.N