+
Aa
-
like
comment

Để hủ tục “cướp vợ” mãi diễn ra, các cô gái trẻ chịu đau khổ đến bao giờ?

Thái Thanh - 07/02/2022 15:17

Hình ảnh các cô gái trẻ đồng bào người Mông bị những chàng trai trong làng dùng vũ lực vây bắt, khống chế rồi lôi về nhà, khi lan tỏa ai thấy cũng bức xúc và lên án dữ dội. Ấy thế nhưng, tại sao cái hủ tục biến tướng ấy năm này qua năm nọ, đến giờ vẫn xảy ra?

Bé gái H’Mông bị nam sinh lớp 10 “bắt làm vợ”, cô gá cầu cứu nhưng người bên cạnh không một ai giúp đỡ

Nhìn hình ảnh các em gái độ tuổi đôi mươi, thậm chí đang ở tuổi ăn học bị những chàng trai kéo đi, các em phản kháng trong vô vọng. Nhìn ánh mắt các em cầu cứu người xung quanh nhưng tất cả đều đứng nhìn, trong hoàn cảnh này, hẳn các em rất đau khổ và sợ hãi.

Điều đáng nói là trong những người “đứng nhìn” ấy có cả phụ huynh là cha, mẹ ruột và có cả sự hiện diện của những người bà con, thân thích, dòng họ. Sao họ có thể nhẫn tâm, trơ mắt đứng nhìn con, cháu mình như thế?

Ám ảnh cảnh các bé gái H’mông khóc thét khi bị trai bản bắt vợ

Tại sao họ có thể dửng dưng, vô tâm, bỏ mặc để con gái mình bị ăn hiếp? Dù thừa biết một khi con gái bị bắt đi thì nhà trai muốn làm gì làm, cưỡng hiếp sao cũng được và dĩ nhiên, các em sẽ không còn đường để quay về vì theo tục lệ của người Mông, đã ở nhà trai một đêm thì không được phép trở về nhà cha mẹ đẻ nữa.

Cướp vợ – một phong tục lâu đời của đồng bào dân tộc Mông, ngày hôm nay đã bị biến dạng ngiêm trọng. Chỉ vì muốn có thêm người làm, bất chấp con mình còn ít tuổi, nhiều gia đình người Mông đã tổ chức “cướp” con gái nhà người khác làm vợ cho con mình một cách đầy vũ lực chứ không còn mang tính chất thủ tục để hợp thức cái: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.

Nói thẳng, một hủ tục như thế đến giờ này vẫn còn tồn tại, thì lỗi lớn nhất chính là ở gia đình, sự tiếp tay lớn nhất ở đây chính ở những người cha, người mẹ vô cảm và thiếu nhận thức!

Luật Hôn nhân gia đình đã có quy định rõ về những nội dung cụ thể, không ai có quyền cưỡng ép, cưỡng đoạt và xâm hại phụ nữ, hôn nhân đến với nhau dựa trên sự tự nguyện. Đó là chưa kể đến trẻ vị thành niên, chưa đến tuổi lập gia đình, bị cưỡng đoạt, cưỡng hiếp thì kẻ phạm tội bị xử lý hình sự.

Cô gái trẻ may mắn được anh công an giải cứu

Dù là đồng bào dân tộc, nhưng ngày hôm nay công nghệ phủ sóng, mọi người và nhà nhà đều có sử dụng điện thoại thông minh, chưa kể tivi truyền hình có mặt mọi nơi, chính sách pháp luật dễ dàng cập nhật và được chia sẻ dễ dàng.

Để những hủ tục biến tướng này xảy ra, những người cha, mẹ và cả ông bà của các em không thể đứng ngoài trách nhiệm. Sự làm ngơ, tiếp tay cho chuyện sai quấy hậu quả là người con gái ruột thịt của mình phải trả giá bằng cả cuộc đời, mất hết tuổi trẻ, thanh xuân và bị tước đi những cái quyền được tìm hạnh phúc đã được pháp luật bảo hộ.

Anh công an giải cứu cô gái trẻ và đưa nam thanh niên có hành động “bắt vợ” về trụ sở làm việc. (Ảnh cắt từ clip)

Trong nhiều cô gái bất hạnh, thì cô gái được anh công an cứu thoát khỏi vòng vây “cướp vợ” đầy thô bạo của anh trai làng lan tỏa cộng đồng trong mấy ngày nay, là hy hữu, là may mắn. Nhưng chẳng ai dám bảo đảm, rồi năm sau, em có được may mắn cứu thoát như vậy nữa không, hay nhiều cô gái trẻ khác ai sẽ là người may mắn được anh công an hay trí thức nào đó giải vây, cứu thoát khỏi cuộc hôn nhân không yêu thương, không tự do và biến tướng về hủ tục như trên?

Thiết nghĩ, hủ tục này cần phải được chấm dứt, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý những tình huống “cướp vợ” vi phạm pháp luật và phong tục biến tướng như thế này. Trên hết, chính thầy cô giáo cũng cần tăng cường công tác giáo dục đến các em học sinh ngay trên ghế nhà trường, để các em biết cách bảo vệ mình, tìm hạnh phúc cho chính mình trong thời buổi văn minh, hiện đại.

Thái Thanh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều