Để học sinh trở thành nạn nhân của mạng xã hội, trách nhiệm thuộc về ai?
Trong cuộc sống, sự chủ động của người lớn trong giáo dục con trẻ, trang bị cho con về kỹ năng xử lý tình huống, nhận định thông tin luôn là tốt. Sự chủ động này giúp con hạn chế được các sai lầm và người lớn, bao gồm cả phụ huynh, giáo viên, người làm công tác xã hội sẽ không hối hận, ray rứt về sau.
Thời đại 4.0, công nghệ ngày càng được con người áp dụng rộng rãi vào thực tiễn đời sống, nhiều lĩnh vực. Theo xu hướng đó, mạng xã hội bùng phát kèm theo biết bao thông tin tiêu cực, sai sự thật và những cám dỗ ngày càng phủ đầy trên mạng xã hội. Để bảo vệ con, nhiều bố mẹ thiết lập hàng loạt các biện pháp ngăn chặn, từ việc cài phần mềm ngăn chặn các trang web chứa thông tin xấu độc vào máy tính của con, kiểm tra thông tin con xem trên mạng xã hội hàng ngày, thậm chí để an toàn “thu hồi” luôn điện thoại của con. Tuy nhiên, cấm con trẻ không phải là cách, vấn đề là làm sao để các em phân biệt được những nội dung gì trên mạng xã hội nên xem, những gì cần tránh và cách bảo vệ bản thân mình.
Trong tháng qua, việc công an quận Bắc Từ Liêm triển khai tổ chức thực hiện chương trình dạy học sinh các trường THCS trên địa bàn nhận diện thông tin giả – tiêu cực, hậu quả của chia sẻ thông tin giả; hậu quả và cách tránh bị đầu độc trên mạng xã hội, nhận diện các chiêu trò dụ dỗ – xâm phạm, cách bảo vệ thông tin bản thân, không gặp gỡ người lạ trên mạng xã hội…, đã nhận được sự hưởng ứng của phụ huynh và thu hút nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Ai cũng thấy được, nỗi lo con trẻ trước vấn nạn xâm phạm xuất hiện càng nhiều trong thâm tâm của phụ huynh, và giáo viên nhà trường, khi hàng ngày trên mạng đầy rẫy những thông tin tiêu cực, nhận thức lệch lạc, những chiêu trò lừa đảo tinh vi diễn ta điên đảo. Hồi chuông đã được báo động, chỉ trong một thời gian ngắn, công an quận Bắc Từ Liêm đã tiếp nhận, giải quyết 16 vụ việc trẻ em dưới 14 tuổi bị xâm hại, trong đó có vụ trẻ em bị đối tượng quen trên mạng dụ dỗ, sau đó thực hiện hành vi xâm hại; có đến 2 vụ việc trẻ em bị đối tượng xấu quen trên mạng xã hội rủ dê bỏ nhà, bỏ học đi theo đối tượng cả tuần; có em học sinh lớp 9 tự tử để lại thư tuyệt mệnh nguyên nhân do chán nản, áp lực cuộc sống, không thể chia sẻ với người thân trong gia đình, một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu cực cũng là do thường xuyên sử dụng mạng xã hội bị ảnh hưởng dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Rõ ràng, mạng xã hội ngày hôm nay như con dao hai lưỡi và các em học sinh hiện đang thiếu hụt rất nhiều các kỹ năng bảo vệ bản thân mình, nhất là trong thời đại công nghệ số. Để những việc đáng tiếc như trên xảy ra, trách nhiệm lớn nhất dĩ nhiên thuộc về gia đình, tuy nhiên, để giúp các em tránh được những điều trên, cần sự nỗ lực, chung tay và trách nhiệm từ nhà trường, các ban ngành đoàn thể liên quan.
Việc công an quận thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em tránh những “chiếc bẫy” trên mạng xã hội là một trong những việc làm chủ động từ đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Lợi ích các em học sinh nhận được từ buổi truyền thông thực tế được thấy rõ, các em có thêm cơ hội tiếp cận, nhận diện các loại tội phạm mạng trong tình hình mới, nhận diện các thông tin giả, kích động, xúi giục của các thành phần phá hoại và tránh được những cú lừa tinh vi, từ đó sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tỉnh thức.
Đó cũng là một trong những lý do để cô Đỗ Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Diễn quyết định: “Vì môi trường mạng xã hội bình yên, nhà trường sẽ phấn đấu toàn bộ học sinh trong trường sẽ có kiến thức cơ bản về Luật An ninh mạng và sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; đồng thời biết cách phòng chống các tội phạm, tệ nạn xã hội trên môi trường không gian mạng”. Và đó cũng là một trong những lý do vì sao, phụ huynh bày tỏ ý kiến, nhà trường và công an cần nhân rộng mô hình truyền thông này “phủ sóng” cả nước, để kịp thời định hướng thông tin, bảo vệ học sinh trước các vấn nạn xã hội, không riêng gì chỉ ở một quận ở Hà Nội.
Tuổi trẻ – những mầm non của đất nước luôn cần sự quan tâm, nuôi dưỡng đúng mực. Đây là trách nhiệm không chỉ của một gia đình, hay cá nhân, mà cần hành động của tập thể những người làm công tác giáo dục, xã hội và cơ quan chức năng.
Với sự chủ động, hành động và hỗ trợ nhịp nhàng, trách nhiệm của nhà trường, gia đình, cơ quan chức năng trước vấn nạn người trẻ gặp phải từ mạng xã hội, chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu những tiêu cực, những sai lầm đáng tiếc xảy ra, đồng thời trang bị cho các em học sinh những kỹ năng bảo vệ bản thân – đây cũng là phương án tối ưu nhất, là chiếc chìa khóa vàng giúp các em làm chủ cuộc sống của mình trong tương lai.
Tường Vi