+
Aa
-
like
comment

Để hệ thống tín dụng không bị “bóp nghẹt”

Huy Hoàng - 03/10/2022 15:19

Hiện nay, hệ thống tín dụng đang chịu sức ép từ cả hai đầu, khi vừa phải kiểm soát lạm phát dưới mức 4%, vừa phải loay hoay cung tiền cho nền kinh tế hồi phục. Và việc tín dụng nhỏ giọt vừa qua buộc chúng ta phải nhìn nhận, rằng Việt Nam chưa thực sự tận dụng hết nguồn lực trong và ngoài nước…


Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn nhưng việc vay vốn của doanh nghiệp vẫn gặp khó.

Nhìn vào thị trường tiền tệ vừa qua, thực tế cho thấy Việt Nam đã không thể đứng ngoài cuộc khi các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới tăng lãi suất. Áp lực quá lớn lên tỷ giá đã buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải nâng lãi suất điều hành lên thêm 1%, qua đó kéo lãi suất huy động lên mức cao. Dòng tiền bị hút mạnh về hệ thống tín dụng cùng với đó hoạt động cho vay, phục vụ nhu cầu kinh doanh sản xuất hậu đại dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Sau đợt cấp room vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã than rằng: “Mưa chưa kịp thấm đất thì nước đã bắt đầu bốc hơi”

Hạn mức tín dụng quá nhỏ giọt làm nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn vay. Điều đó cũng cho ta thấy khó khăn hệ thống ngân hàng thường gặp, khi không thể đảm nhiệm cùng lúc hai vai trò của nền kinh tế: Một là kiềm chế lạm phát, hai là cung tiền cho người dân và doanh nghiệp.

Việc nắn chỉnh dòng chảy tín dụng vào nền kinh tế một mặt là nhằm kiềm chế nguy cơ về lạm phát, mặt khác là hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh trong bối cảnh chi tiêu toàn cầu sụt giảm. Mặc dù sự chuẩn bị từ trước là dự trự ngoại hối đã giúp Việt Nam đứng ngoài vòng xoáy lạm phát của thế giới, nhưng việc thắt chặt tín dụng cho thấy chúng ta vẫn chưa thể đi ngược xu hướng chung, trong đó có chưa tận dụng hết nguồn lực trong và ngoài nước.

Kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện tại có thể nói là rực rỡ khi một mặt, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, mặt khác nền kinh tế mới nổi khiến nhiều dòng vốn FDI để mắt tới. Song, giai đoạn này lại là lúc các nền kinh tế lớn đua nhau tăng lãi suất hút tiền về. Chỉ việc đó thôi cũng đủ tạo áp lực lên tăng trưởng của Việt Nam.

Cần sớm có giải pháp để tận dụng nguồn tiền trong dân

Người dân gửi tiền vào ngân hàng

Thực tế cho thấy, nếu ở các nước phát triển, đặc biệt là ở phương Tây, người dân làm ra 10 đồng thì chi tiêu đã hết 15 đồng, số dư ra đó là đến từ hệ thống tín dụng của ngân hàng. Thói quen này tuy có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, nhưng khi các NHTW tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì áp lực trả nợ cũng tăng theo, sức chi tiêu cũng theo đó mà giảm mạnh. Nhưng ở Việt Nam, đó là câu chuyện khác, thói quen của người dân thường là mang tâm lý chắt chiu, làm 10 đồng thì chỉ tiêu một phần, số còn lại gửi tiết kiệm hoặc mua các tài sản như vàng bạc tích trữ. Vì vậy, khi chính sách tiền tệ hút tiền về để kiểm soát lạm phát, việc chi tiêu của người dân vẫn bị ảnh hưởng rất ít. Đây là đặc thù của kinh tế Việt Nam và cũng là nguồn lực mà chúng ta chưa thực sự tận dụng hết.

Tham gia phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cho biết: “Hiện tiền trong dân còn khá nhiều”. Theo ông, nếu huy động thông qua các ngân hàng sẽ vướng quy định trần cho vay trung, dài hạn. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, ngân hàng huy động 100 đồng thì chỉ được cho vay ra 40 đồng, nên các ngân hàng muốn cho vay nhiều hơn cũng khó cho vay được. Chưa kể, còn vấn đề liên quan tới dự trữ bắt buộc.

Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đe dọa nền kinh tế, việc để dòng tiền vào sản xuất kinh doanh nhưng phải đi qua trung gian ngân hàng sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để không bỏ lỡ giai đoạn “dân số vàng”, Việt Nam cần sớm tìm ra giải pháp huy động nguồn tiền trong dân, làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, thay vì đổ vào đất đai, vàng bạc, gửi tiết kiệm…

Khác với việc dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng rồi đến tay doanh nghiệp theo hình thức vay. Dòng tiền trong dân đến với doanh nghiệp sẽ mang tính chất “đầu tư” hơn, việc đầu tư sẽ mang về lãi suất cao hơn cho người dân, qua đó chia sẻ bớt rủi ro với hệ thống tín dụng, doanh nghiệp cũng vì thế mà có thêm một kênh huy động vốn khác, thay vì chỉ biết “nằm chờ” tín dụng từ ngân hàng. Vấn đề quan trọng là làm sao chính phủ có thể xây dựng được một cầu nối kết nối hai chủ thể này với nhau, và đặc biệt là làm sao đảm bảo cho vay đúng người, làm đúng việc, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư thì mới tận dụng được nguồn vốn trong dân lâu dài và hiệu quả.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều