Để gói hỗ trợ sớm đến tay người nhận
Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với kinh phí lên tới 26.000 tỉ đồng.
Rút kinh nghiệm những vướng mắc ở lần hỗ trợ trong năm 2020, lần hỗ trợ này sẽ giảm tối đa mọi thủ tục rườm rà không cần thiết.
Còn nhớ, năm 2020, dù Chính phủ đưa ra chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ sớm nhưng đã có tình trạng lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Báo cáo cuối tháng 5-2021 cho thấy gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cho đợt dịch trước chỉ giải ngân được hơn 22%. Trong đó, gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương người lao động giải ngân chỉ đạt 0,26%.
Lần này, chính sách này được triển khai trên cơ sở Chính phủ đã phân tích, đánh giá kỹ tình hình và nhất quán tinh thần kiên định mục tiêu, thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định các cân đối vĩ mô.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, mục tiêu của nghị quyết này tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, mà chủ yếu nhất là công nhân và người lao động trực tiếp. Do vậy, có thể nói đây là chính sách đang được hàng triệu người lao động chờ đợi, trông ngóng.
Nghị quyết 68 đề ra 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42; bảo đảm chính sách có tính khả thi; mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách (trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly). Để tránh những vướng mắc trong việc phân bổ tiền hỗ trợ của người lao động và chủ sử dụng lao động, Nghị quyết 68 còn quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ.
Đối với nhóm người yếu thế là các lao động tự do cần được hỗ trợ, Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động lên danh sách, cân đối nguồn thu để chi trả hỗ trợ. Chính phủ cũng đồng thời quy định mức hỗ trợ “sàn” (không dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc không dưới 50.000 đồng/người/ngày) để bảo đảm quyền lợi người lao động.
Hy vọng với các thủ tục thông thoáng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ để trụ vững trong cơn bão dịch lần thứ 4 này. Để việc hỗ trợ đến được với người lao động một cách kịp thời, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và chủ động của UBND các tỉnh, thành phố trong việc xác định đối tượng bị tổn thương nhất, cần hỗ trợ cấp bách nhất để ban hành các chính sách cho phù hợp từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Nhất là đừng để người dân phải ngóng trông, chờ đợi vì những thủ rục rườm rà, vướng mắc.
Chung Thanh Huy