Để dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố, tại sao không?
“Chúng ta đã có đủ điều kiện và cơ sở để thực hiện chế độ bầu cử dân chủ trực tiếp. Để dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố sẽ có rất nhiều lợi ích”, ĐBQH Vũ Trọng Kim nói.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Ủy viên Ủy ban Tư pháp) là người đã đưa ra đề xuất để dân trực tiếp bầu Chủ tịch Đà Nẵng khi thảo luận về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Trao đổi với PV về đề xuất này, ông Kim khẳng định Việt Nam đã đủ điều kiện, cơ sở và thời cơ chín muồi để thực hiện chế độ dân chủ tiến bộ hơn. Đây là cách hạn chế tình trạng chạy chức, chạy quyền, tăng cường sự giám sát của nhân dân.
Bước tiến lớn thực hiện quyền dân chủ trực tiếp
– Dân chủ đã từng bước được phát huy, song việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố dường như vẫn chưa được tính đến. Vì sao ông lại đưa ra đề xuất để dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng?
– Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã từng bước phát huy được dân chủ của dân và nhờ đó, có những bước phát triển vững chắc. Người dân Việt Nam có ý thức công dân cao, giàu lòng yêu nước, hết lòng hết sức phụng sự, xây dựng đất nước độc lập phồn vinh và hạnh phúc.
Quyền dân chủ của dân đã được minh định, xác lập rõ ràng ngay trong Hiến pháp 2013. Dân chủ cũng đã được thực thi trong thực tế cuộc sống.
Hơn nữa, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Do vậy có quyền nhân dân trực tiếp làm, trực tiếp thực hiện; có quyền nhân dân giao hay ủy quyền cho một tổ chức, một nhóm người hoặc cho một người thực hiện để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Điều đó cho thấy Bác rất tin nhân dân, tin tưởng vào chính quyền cách mạng. Đó là những cơ sở pháp lý và thực tiễn của Việt Nam, chứng minh rằng đến nay rất thuận lợi để nhân dân thực hiện chế độ bầu cử một cách dân chủ trực tiếp.
– Vậy quy định về việc dân bầu chủ tịch thành phố có “vênh” so với các quy định pháp luật hiện hành không, thưa ông?
– Không có gì vênh nhau cả. Dân chủ ở ta có 2 hình thức. Một là dân chủ trực tiếp. Hai là dân chủ gián tiếp thông qua tổ chức đại diện nào đó.
Nếu là dân chủ gián tiếp thì toàn dân bầu ra HĐND, rồi HĐND thay mặt nhân dân bầu ra chủ tịch. Nhưng bây giờ người dân không muốn ủy nhiệm cho HĐND nữa mà dân muốn bầu trực tiếp, đó là chuyện rất tốt, không ảnh hưởng gì đến quy trình hay vấn đề dân chủ. Đây là bước tiến bộ rõ rệt cho thấy Đảng tin dân và dân cũng rất tin Đảng.
Nên có ít nhất 2-3 ứng viên
– Nếu được thực hiện thí điểm, lợi ích của việc dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố là gì, thưa ông?
– Lợi ích trước hết, chính là vấn đề niềm tin. Nếu làm được, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ sẽ được củng cố và lớn hơn bao giờ hết. Khi niềm tin tăng lên, người dân sẽ cống hiến công sức đóng góp cho Đảng, Nhà nước. Đó là giá trị đáng quý vô cùng.
Cái lợi tiếp theo là về chính trị, cho thấy chế độ chính trị ổn định, ưu việt của Việt Nam. Việt Nam đã trải qua chế độ thực dân phong kiến, bản thân tôi trong thời kỳ cận đại, đương đại cũng trải qua 15 năm kháng chiến và sống qua 2 chế độ chính trị khác nhau. Tôi đã đi nghiên cứu nhiều hình thức tổ chức Nhà nước trên thế giới và thấy chế độ chính trị của ta đã bảo đảm cho sự ổn định.
Ổn định và cởi mở về chính trị, đương nhiên sẽ mang đến hiệu ứng tốt và lợi ích về mặt kinh tế. Người ta nhìn vào chế độ chính trị sẽ nhận thấy các chính sách kinh tế của Việt Nam ngày càng thông thoáng, cởi mở, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Cơ sở đã rõ, người dân ủng hộ, lợi ích rõ rệt, vì thế tôi nghĩ Việt Nam đã đủ điều kiện, đủ cơ sở và có thời cơ chín muồi để thực hiện chế độ dân chủ tiến bộ hơn, để người dân trực tiếp bầu lãnh đạo thành phố.
Điều đó cũng cho thấy sự lựa chọn và sáng kiến của nhân dân bắt đầu được tiếp thu một cách đầy đủ.
– Theo hình thức ông đề xuất, việc dân bầu chủ tịch thành phố sẽ được tiến hành theo quy trình như thế nào?
– Trước hết, Đảng bộ và HĐND thành phố sẽ chuẩn bị nhân sự. Sau đó mời MTTQ Việt Nam thành phố tham gia giám sát danh sách nhân sự này, hiệp thương thống nhất để đưa ra bầu cử.
Số ứng cử viên ít nhất phải 2-3 người. Đương nhiên, người được giới thiệu phải là người đủ đức, đủ tài, đủ điều kiện để nhân dân xem xét, bầu cử.
Nhân dân sẽ xem xét trên cơ sở chương trình hành động của mỗi ứng viên. Tức là người nào cũng phải có chương trình hành động trình bày trước nhân dân, ít nhất thực hiện trong vòng 3 tháng để dân có điều kiện giám sát, xem xét toàn diện người đó có trải nghiệm gì, có trình độ, năng lực thế nào. Sau khi xem xét, dân tín nhiệm ai thì sẽ “chọn mặt gửi vàng”.
Hạn chế chạy chức, chạy quyền
– Một thực tế đáng buồn ở Đà Nẵng vừa qua là nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật. Thậm chí có những người sau 5-10 năm mới phát hiện ra sai phạm và bị kỷ luật. Với việc dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố, ông kỳ vọng cơ chế giám sát thế nào để hạn chế tình trạng này?
– Trước hết, việc này sẽ hạn chế một cách rõ rệt tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu mà chúng ta vẫn hay nói đến.
Có những người khi được chuẩn bị “nhắm” đưa vào ghế lãnh đạo nào đó, họ phải tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, cấp dưới, của bộ phận tham mưu, giúp việc… Tức là tranh thủ nhiều lực lượng khác nhau. Mà tranh thủ như thế đương nhiên là dấu hiệu không bình thường, chính là biểu hiện của chạy chức, chạy quyền. Đó chính là chủ nghĩa cơ hội, là mảnh đất cho những người có cơ hội chính trị phát triển.
Họ có thể chạy được một phần nào đó nhưng chắc chắn không thể chạy hết được nhân dân, không bao giờ làm được điều đó. Dân bầu lãnh đạo có lợi là vì thế.
Nhưng khi đã bầu xong người lãnh đạo, nhân dân phải tiếp tục theo dõi, giám sát. Khi tín nhiệm mình bầu lên, nhưng làm việc không hiệu quả, dân cũng có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm, không để người được bầu tiếp tục ngồi ghế lãnh đạo nữa.
Chúng ta có thể tính đến việc lấy phiếu dư luận xã hội, ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ như hiện tại. Giống như một số nước, mỗi khi có bước ngoặt hay một sự kiện nào đó, họ sẽ tiến hành lấy phiếu dư luận xã hội bằng điều tra độc lập của một đơn vị có tư cách pháp nhân. Nếu cán bộ quá yếu kém sẽ không được tín nhiệm nữa.
Ví dụ trong đại dịch Covid-19, có thể lấy phiếu đánh giá của dư luận xem người lãnh đạo đó chỉ đạo, điều hành ra sao, có hiệu quả hay không.
Nếu chúng ta làm được như vậy, chúng ta sẽ không mất đến 5 năm để chứng kiến người lãnh đạo ngồi ghế chủ tịch mà không làm việc hoặc làm việc không hiệu quả. Thậm chí, cũng không mất đến 10 năm mới có thể phát hiện và khui ra những sai phạm của lãnh đạo.
Để dân bầu chủ tịch thành phố và giám sát thì chỉ sau 1 năm sẽ nhìn ra được ngay. Cơ chế giám sát quyền lực của người dân rất tuyệt vời bởi họ không bị tác động, chi phối bởi bất cứ ai, bất cứ điều gì.
Hoài Thu/ZNS