Để có doanh nghiệp vào top đầu thế giới
Đổi mới cần được tiến hành nhanh hơn và đồng bộ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên, giúp đất nước trở nên thịnh vượng và phát triển.
Trong 3 năm qua, với sự quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những điểm nghẽn mang tính cơ cấu cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và chưa như yêu cầu của Thủ tướng. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng: “Chúng ta mới có 7 cái tên doanh nghiệp trong tốp 200 doanh nghiệp tốt nhất châu Á có doanh thu gần 1 tỷ USD. Đến nay, chúng ta chưa có doanh nghiệp nào vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.”
Các nút thắt cần thào gỡ
Cũng tại hội nghị trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng số liệu mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 55% doanh nghiệp vẫn phải chi phí không chính thức cho bộ máy công chức. Trong đó, có 1 bộ phận doanh nghiệp phải bôi trơn lớn, chiếm tới 10% tổng doanh thu.
Đối với thanh kiểm tra, Phó thủ tướng khẳng định, theo chỉ đạo cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trùng lắp. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp hằng năm bị thanh tra, kiểm tra vẫn còn rất lớn, chiếm tới 1/3. Khảo sát năm 2019 cũng chỉ ra vẫn còn 19% số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn công khai những ca thán của các chủ doanh nghiệp với người đứng đầu Chính phủ: “Tôi nhận được nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài.”
Như vậy, sự bàng quan, thờ ơ đối với những khó khăn của doanh nghiệp; sự nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận công chức, viên chức của các bộ ngành và các địa phương góp phần gây nên khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, có 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. Điển hình là xung đột trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Hoặc như giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng; giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường xung đột về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Văn bản pháp luật thiếu đồng bộ như “một rừng thủ tục”, làm doanh nghiệp không biết đâu mà lần để triển khai dự án. Một dự án bất động sản mà thời gian cấp phép 3-4 năm, thời gian thi công 3-4 năm nữa là quá tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức. Nó bào mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Sự chồng chéo của các văn bản pháp luật không chỉ cản trở doanh nghiệp lớn mạnh mà còn làm họ lo lắng vì để bảo vệ tài sản, thương hiệu của mình khi có tranh chấp xảy ra.
Vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” đã phổ biến từ lâu và có mặt ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (ngày 21/11/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng thẳng thắn chỉ ra: “Có ông không chỉ một sân sau mà còn 2, 3 thậm chí là 13-14 sân sau.”
Các doanh nghiệp sân sau được những người nắm quyền lực ưu ái nên khi tham gia thực hiện các dự án hầu hết được chỉ định thầu, thiếu công khai minh bạch. Hoặc nếu tổ chức đấu thầu cũng chỉ là phù phép che mắt thiên hạ.
Theo bài viết “Doanh nghiệp sân sau” chỉ riêng năm 2017, cả nước có 221.469 gói thầu, trong đó có tới 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69%.
Phần lớn các quốc gia có nền kinh tế bị doanh nghiệp sân sau thao túng và lũng đoạn đều khó phát triển lành mạnh vì không đảm bảo được môi trường cạnh tranh công bằng, nguồn lực được phân bổ méo mó.
Ba điểm nghẽn phác thảo trên đây, và tất nhiên, còn nhiều hơn nữa, là các lý do quan trọng làm cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó phát triển.
Để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh
Hiện nay Việt Nam có khoảng 17.000 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn nhưng so với các quốc gia trong khu vực thì còn chênh lệch rất lớn. Năm 2018, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam chỉ có quy mô vốn hóa trung bình 186 triệu USD, thì mức trung bình của các doanh nghiệp của Philippines là 1,2 tỷ USD, Singapore 1,07 tỷ USD, Thái Lan 835 triệu USD, Indonesia 809 triệu USD và Malaysia là 553 triệu USD.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 5 năm gần đây, số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn sụt giảm mạnh. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lên tới hơn 96%.
Thực trạng trên đây đã chỉ ra, muốn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển thì phải sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật vừa đảm bảo phù hợp với thể chế kinh tế thị trường vừa đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Đồng thời phải xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật thích đáng những quan chức đứng đầu các bộ ngành, địa phương yếu kém về phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để cho cấp dưới tham ô, nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh doanh nghiệp.
Thực tế 3 năm qua cho thấy, người đứng đầu Chính phủ có quyết liệt bao nhiêu đi chăng nữa nhưng nếu các quan chức đứng đầu các bộ ngành, địa phương không vào cuộc quyết liệt thì sự vận hành của cả bộ máy vẫn kém hiệu quả.
Đổi mới cần được tiến hành nhanh hơn và đồng bộ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên, giúp đất nước trở nên thịnh vượng và phát triển. Thời đại ngày nay, chậm đổi mới một ngày là bỏ qua cơ hội để đất nước bắt kịp với các quốc gia trong khu vực, để doanh nghiệp trở nên lớn mạnh và cạnh tranh.
Việt Nam sau 33 năm phát triển kinh tế thị trường vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc để tiếp tục tháo gỡ những rào cản kinh doanh sao cho doanh nghiệp lớn lên và phát triển, để có nhiều hơn 7 doanh nghiệp lọt vào danh sách hàng đầu Châu Á và có doanh nghiệp lọt top 500 của thế giới.
Nguyễn Huy Viện/VNN