+
Aa
-
like
comment

Để các chính sách an sinh xã hội ổn định, lâu dài, bền vững

Diệu Hương - 17/11/2021 11:22

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Nghị quyết được các chuyên gia đánh giá tích cực khi đã dành một nguồn lực tài chính quốc gia đáng kể cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, mất việc hoặc không có việc làm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được Chính phủ xây dựng với mục tiêu là huy động, phân bổ và xây dựng hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia để vừa phòng, chống kiểm soát dịch Covid-19, vừa tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Nhìn chung dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 là đã thận trọng hơn khi dự báo cân đối tổng thu năm sau chỉ tăng 3,4% so với ước thực hiện năm nay. Cơ cấu chi tiêu cũng cho thấy xu hướng thay đổi theo hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, chi thường xuyên tăng 5,1% so với dự toán năm 2021, do tăng chi cho một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới được nhìn nhận là cần thiết và hợp lý.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội. Đó là, Nghị quyết 42 với gói 62.000 tỷ đồng; Nghị quyết 68 với gói 26.000 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ 137.000 tấn gạo; Nghị quyết 116 với gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ kinh tế theo nghị quyết 68 đã đặt trọng tâm quá nhiều vào chính sách tạm dừng, giảm đóng các chế độ bảo hiểm xã hội. Chính sách hỗ trợ tiền mặt 2021 theo Nghị quyết 68 thiết kế có qui mô nhỏ (2.533 tỷ đồng), thấp hơn rất nhiều so với qui mô gói hỗ trợ năm 2020 theo Nghị quyết 42 (35.880 tỷ đồng). Đặc biệt, chính sách hỗ trợ tiền mặt trong năm nay đã bỏ qua các nhóm đối tượng yếu thế – những người cần hỗ trợ nhất, phạm vi hẹp không phản ánh hết ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này về lâu dài có thể tạo ra bất bình đẳng trong thực hiện chính sách, ảnh hưởng đến mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”.

Do đó, đòi hỏi Chính phủ phải thực hiện nhiều hơn các chính sách hỗ trợ về an sinh, nhất là cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Hay nói cách khác là cần xây dựng và đảm bảo nguồn tài chính ổn định và dài hạn để các chính sách hỗ trợ được bền vững.

Trong ngắn hạn (năm 2022), Chính phủ nên tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn (kinh nghiệm quốc tế là khoảng 4-5% GDP hàng quý), thực hiện càng sớm càng tốt (chuẩn bị ứng phó với những làn sóng Covid-19 trong năm 2022); tiếp cận theo cách phổ cập nhóm như hộ có trẻ em, hộ có người già, người khuyết tật). Mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt “mức sống tối thiểu” (tham chiếu theo chuẩn nghèo của Chính phủ quy định) và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly, giãn cách cộng đồng bởi mức hỗ trợ phải đảm bảo mức sống cho người dân trong thời gian cách ly thì người dân mới thực hiện nghiêm chính sách phòng chống dịch.

Về dài hạn, chi đảm bảo an sinh xã hội cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng Quỹ Dự phòng. Trong tương lai, cần có Quỹ An sinh xã hội để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội bền vững.

Các chính sách của Chính phủ cần phải được cụ thể hóa, minh bạch hóa. Trong đó, cần xác đinh nguồn ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào, chấp hành và giám sát chặt chẽ ra sao, nhằm hướng tới những đối tượng khó khăn nhất. Đặc biệt, gói an sinh mới cần đặc biệt quan tâm là người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề, khiến họ bị mất việc hoặc ngừng việc hoặc trở về quê quán thường là ở những tỉnh nghèo. Do đó cần có sự phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt và giám sát chặt chẽ việc chấp hành. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đảm bảo nguồn ngân sách để giúp chính sách được thực hiện đồng đều ở các địa phương và có tính dài hạn khi đã thích ứng lâu dài với dịch.

Bên cạnh nguồn ngân sách từ trung ương, cần tăng cường huy động nguồn ngân sách địa phương, các nguồn tài chính ngoài ngân sách như nguồn tín dụng, nguồn vốn nước ngoài, nguồn hỗ trợ, đóng góp của người dân. Điều này đòi hỏi sự chủ động của chính quyền địa phương trong thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.

Mặc dù chính sách của nước ta hết sức nhân văn, với mục tiêu không bỏ ai ở lại phía sau, tuy nhiên, đối với các chính sách an sinh xã hội, không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách mà cần tăng cường huy động các nguồn lực khác. Theo đó, cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực từ nước ngoài, cũng như kinh nghiệm của các nước trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đang được Chính phủ xây dựng, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Các vấn đề an sinh xã hội cần quan tâm đến khôi phục và phát triển thị trường lao động. Đồng thời cũng yêu cầu Chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế xã hội phải có phạm vi đủ rộng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, thích ứng với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025), chứ không riêng cho năm 2022. Có như thế mới giúp nền kinh tế chủ động, ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp trong dài hạn.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều