Để bớt đi những công điện khẩn sau những vụ tai nạn giao thông
Sau mỗi vụ tai nạn, lại có lãnh đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vội vã xuống hiện trường hỏi thăm, chia sẻ, có những công điện khẩn, vân vân các loại, rồi lại… vẫn như cũ.
Hôm kia chương trình “Chào buổi sáng” VTV1 chiếu một clip rất kinh. Gác chắn đường đã hạ xuống, chuông và đèn báo động vừa reo vừa nhấp nháy liên tục, đoàn tàu như một mũi tên lao sầm sập tới, và một người phụ nữ thản nhiên cưỡi xe máy cũng… xông đến. Quá khủng kh iếp, cái ch ết ngay lập tức khiến người bị tai nạn có khi chưa kịp biết, nhưng những người sống, chứng kiến và xem clip thì đều rùng mình.
6h sáng hôm qua 3/8, tại thị trấn Chư Sê (Gia Lai), ngay cái ngã ba rẽ vào đường 25, tức đường 7 nổi tiếng của năm 1975 khi ở đây diễn ra “cuộc tháo chạy tán loạn” – như tên một cuốn sách nổi tiếng khi ấy, một cái xe khách đã lao vào lề đường, nơi có cái chợ lớn ở đấy, 3 người đã ch ết tại chỗ, số bị thương đang cấp cứu rất nhiều. Nơi đây vừa là ngã ba có đường 14 chạy qua, xe khách chạy đêm rất dày, nối đuôi nhau chạy, lại có một cái chợ huyện, dù chợ ở sâu phía trong, nhưng dân mình, như thói quen mọi nơi mọi chỗ, càng phía cổng, càng lề đường thì càng được tận dụng để bán hàng. Và có người bán thì có người mua. Ngồi nguyên trên xe máy, thậm chí là ô tô, hạ kính xuống, là mua.
Chỗ này cách chỗ mà 2 năm trước, cái xe tải phóng với tốc độ thần ch ết (105km/h trong khi tốc độ cho phép là 50km/h), lao sang đường đối diện để đấu đầu với cái xe khách đang chạy bình thường khiến 13 người ch ết. Và cho đến giờ vẫn… chưa biết nguyên nhân tại sao ông tài xế xe tải lại chạy hẳn sang đường ngược chiều như thế, chỉ khoảng hơn 1 cây số.
Và đấy là những nguyên nhân để tai nạn giao thông liên tục xảy ra trên nước ta, cả đường bộ, đường sông, đường thủy… Nó, trước tiên là ý thức con người.
Tôi là người có cái thú lái xe khi di chuyển, nhưng quả là cũng rất nhiều lần dựng tóc gáy vì những cú đột ngột từ trên trời rơi xuống.
Đa phần đường của ta cao hơn nhà dân hai bên, và khi phóng xe máy từ hẻm lên đường bao giờ cũng cài số mạnh và lao ra đến giữa đường mới bẻ lái quay vào được đường dành cho mình. Mà, cái con đường ấy là đường tốt, đa phần cho ô tô chạy tốc độ trên 80km/h. Với tốc độ ấy mà có một cái xe lao ra giữa đường như thế, chỉ có nước nhắm mắt lại rồi… kệ những điều sẽ xảy ra tiếp theo.
Chưa kể việc, dù có đường riêng nhưng xe máy cứ giữa đường mà phóng, bóp còi mỏi tay vẫn không chịu nhường đường. Tôi rất muốn văn minh như người nước ngoài: Không bóp còi, không văng tục khi lái xe, nhưng quả là dù rất cố gắng vẫn không thể thực hiện được điều ấy khi lái xe ở Việt Nam.
Kinh khiếp nữa là lái xe đúng giờ tan trường. Trường của ta lại cũng thích… làm ngay bên đường.
Xe khách, xe ben cũng là ác mộng khi chạy trên đường. Đây là những xe chạy rất ẩu, rất… coi thường xe nhỏ, nên đa phần, tôi lễ phép nhường họ. Thế mà nào có được. Một lần khép nép chạy đêm qua Quảng Ngãi, một ông xe khách vượt lên, áp sát xe tôi quật bay cái gương chiếu hậu. Làm gì được ông ấy ngoài việc gầm lên một câu chửi mà mình là người nghe, bởi cái xe khách kia đã bỏ xa mình cả đoạn rồi.
Chưa kể là, dù có cấm, có nói rằng không được, nhưng rất nhiều xe độ thêm đèn led, sáng quắc và không chịu hạ cod khi gặp xe đối diện. Chạy xe ban đêm cứ như cuộc… đối mắt, trò chơi của những kẻ đang yêu. Nhưng đối mắt khi yêu thì nó bồi hồi rạo rực nóng bỏng yêu thương, còn đây, nó hết hồn hết vía. Chưa kể nhiều xe còn lắp cả đèn vào đuôi xe, chạy phía trước và pha cứ chĩa thẳng vào xe phía sau. Rất nhiều tài xế lái xe lại chính là thủ phạm gây tai nạn bởi những hành vi hết sức ẩu, hết sức vô ý thức như thế.
Lái ô tô qua đoạn huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế là hãi nhất. Đường có dải phân cách cứng, nhưng dân ta thoải mái leo qua như vịt qua đường, và xe máy chạy ngược chiều nữa. Mồ hôi đầm đìa dù xe mở máy lạnh hết cỡ, qua đoạn ấy đa phần dừng xe xả nỗi sợ một lúc mới đi tiếp.
À, lại cũng một clip giao thông, cảnh người trực đã hạ chắn rồi, thế mà một cái xe khách vẫn lao tới, cái thanh chắn lao thẳng vào kính xe, đâm tuồn tuột vào bụng xe trong sự gần như chết ngất của nhân viên trực chắn. Mà lúc ấy tàu đã tới sát. Nhân viên trực chắn, sau mấy giây “đứng hình” đã rất nhanh chạy ngược phía đoàn tàu đang sầm sầm lao tới, và đoàn tàu đã kịp dừng sát cái ô tô tội đồ kia…
Tóm lại là, tai nạn giao thông ở Việt Nam có vẻ như đã trở thành… bản sắc. Nó đậm đặc đến nỗi không ngày nào không có. Đến nỗi ra nước ngoài, chạy cả ngày trên đường không thấy vệt sơn trắng nào lại thấy… nhớ nhớ những con đường ở nhà dày đặc vệt sơn đánh dấu tai nạn.
Và tất nhiên, sau mỗi vụ tai nạn, lại có lãnh đạo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia vội vã xuống hiện trường hỏi thăm, chia sẻ, Phó thủ tướng thường trực, và cả Thủ tướng gửi công điện khẩn, vân vân các loại, rồi lại… vẫn như cũ.
Ý thức giao thông, hay giờ ta hay “nâng cấp” thành văn hóa giao thông ở nước ta rõ ràng có vấn đề. Cả lái xe biển xanh, biển đỏ chứ chả riêng biển trắng. Rồi người dân, luôn coi đường giao thông là sân, là vườn của… nhà mình.
Sự xử lý không nghiêm của cơ quan chức năng cũng gián tiếp làm gia tăng tai nạn giao thông. Có một cách tôi cho là rất hiệu quả, ấy là nếu phát hiện một phương tiện phạm luật giao thông thì sẽ xử lý chốt kiểm tra trước đấy khi đã để cho xe qua. Và lý giải cho được một chuyện ai cũng biết nhưng rồi như không biết, ấy là việc ra điều tiết giao thông ngoài đường khổ thế mà ai cũng muốn ra làm chứ không chịu ngồi làm ở nhà. Anh nào mà bị rút về không được ra đường là coi như bị kỷ luật. Cái đèn led gắn trái phép chạy như mắc cửi suốt đêm ngoài đường mà chả thấy ai có ý kiến gì, chỉ đến khi tai nạn xảy ra mới… điều tra tai nạn.
Báo chí vừa đồng loạt đưa tin, “2 ngày 5 vụ tai nạn đường sắt”, và thống kê “trong tháng 7/2019, tình hình tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, tăng về số vụ, tăng cao về số người ch ết, cụ thể là làm 20 người ch ết, so với tháng 7/2018 tăng 9 người ( 81,82%), so với tháng 6/2019 tăng 11 người ch ết ( 122,2%)”.
Mà, như thông lệ, tai nạn giao thông đường sắt ít hơn đường bộ nhiều.
Và, có lẽ phải tìm ra cách gì đấy, căn cơ, cụ thể, triệt để… để mỗi khi ra đường không còn phải lo ngay ngáy, không còn được coi như ra… trận, để bớt đi những công điện khẩn, những chi chít vệt đánh dấu tai nạn giao thông trên đường, những vành khăn t ang oan ức…
Bộ Giao thông Vận tải có vẻ như lo việc BOT nhiều hơn lo những việc này?
Nhà thơ Văn Công Hùng
(Email: [email protected])