+
Aa
-
like
comment

Để bạo lực gia đình không chỉ còn là câu chuyện… hòa giải

20/09/2019 15:57

Vấn đề bạo lực gia đình đang nhức nhối, gây phẫn nộ trong xã hội. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện cả ở khu vực thành thị. Ðiều đáng nói, bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng có nhiều biến đổi về hình thức và mức độ nghiêm trọng.

Bạo lực gia đình đang ngày càng nghiêm trọng

Gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn phim ghi lại cảnh phụ nữ bị bạo hành một cách thô bạo, tàn nhẫn. Ðiều đáng buồn là, người “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với phụ nữ lại chính là người chồng, người đã đầu ấp tay gối với vợ.

Hành vi bạo lực trong gia đình xâm phạm thân thể, gây đau đớn, thương tích, thậm chí đe dọa tính mạng, sau nữa còn xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân, làm xói mòn giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến cộng đồng và xã hội.

anhbaohanhvo_bxuh
Hình ảnh cắt từ video một người phụ nữ bị đánh đập dã man lan truyền trên mạng xã hội

Chiều 15/9, vụ việc một video một người phụ nữ bị đánh đập dã man lan truyền trên mạng xã hội khiến người dân bức xúc. Trong video ghi lại cảnh người đàn ông nhiều lần dùng tay đánh người phụ nữ. Người đàn ông này còn bóp cổ, cố dìm người phụ nữ xuống nước. Sự việc xảy ra ngay trước mắt trẻ em.

Sau khi bị đánh, người phụ nữ phải về nhà mẹ đẻ cùng xã ở. Ngày 15.9, gia đình nhờ Đội cứu hộ giao thông Tây Ninh đưa đi bệnh viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh để thăm khám. Người phụ nữ này bị các vết thương ở cổ, mặt, mắt bầm tím và ngực đau, khó thở.

Người đàn ông đánh phụ nữ trong video lan truyền trên mạng xã hội là P.C.L (33 tuổi, ngụ xã Suối Dây), người phụ nữ là T.T.T.M (31 tuổi). Hai người đã kết hôn có 2 con, nhà ở tại địa phương.

Công an địa phương đã triệu tập người đàn ông này. Qua làm việc với công an thì ông L thừa nhận hành vi bạo hành của mình. Ông L khai nguyên nhân dẫn đến sự việc do ghen tuông, nghi vợ có quan hệ bất chính với người khác.

Trước đó, ngày 26-8, một tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin kèm clip hình ảnh người đàn ông được cho là chồng đánh vợ với lời kêu cứu cộng đồng mạng và cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý vụ việc. Tất cả sự việc đều được camera ghi lại, thương xót thay khi người phụ nữ tay còn đang bế con mà vẫn bị chồng đánh đập dã man nhưng không dám buông tay mà vẫn phải ôm chặt con.

Bạo lực gia đình đã và đang là thực trạng nhức nhối về bạo lực gia đình được quan tâm, nghiên cứu. Theo “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam”, năm 2010 do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong cuộc đời.

Báo cáo này chỉ ra, 32% số phụ nữ từng kết hôn đã chịu bạo lực thể xác trong đời; khoảng 5% phụ nữ từng có thai cho biết, họ đã bị chồng đánh đập trong thời gian mang thai. Tỷ lệ bạo lực tinh thần còn ở mức cao hơn, 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (87%) chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền.

Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 tới 2015, trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực. Trong tổng số 157.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện từ năm 2011 đến năm 2015, trường hợp nạn nhân là phụ nữ (từ 16 đến 59 tuổi) chiếm 74,24%.

Liệu có phải do chế tài xử lý và mức phạt còn quá nhẹ?

Theo Nghị định 167/2013, mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng cho hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình chưa đến mức xử lý hình sự. Mức phạt cho hành vi bạo lực về kinh tế còn nhẹ hơn: Phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.

Hành vi bạo lực tinh thần thì mức phạt còn nhẹ hơn nữa: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh; không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh…

Quy trình thực hiện quyết định cấm tiếp xúc còn mang nặng thủ tục hành chính và chưa rõ đối tượng. Việc quy định nạn nhân BLGĐ tự nguyện đến ở được ngầm hiểu rằng khi xảy ra bạo lực thì nạn nhân sẽ phải là người ra khỏi nhà. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chưa bao quát hết hành vi cũng như biện pháp xử lý.

Hình thức xử phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo, ngoài ra biện pháp xử phạt bổ sung như buộc xin lỗi công khai, tiêu huỷ phương tiện hỗ trợ gây bạo lực… chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Người có hành vi trái pháp luật buộc thành viên khác ra khỏi nhà chỉ bị xử phạt mà không có chế tài nào để nạn nhân, người bị BLGĐ có thể trở lại nhà.

Ở Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật và chính sách liên quan phòng, chống bạo lực trong gia đình và bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định lấy tháng 6 hằng năm kể từ năm 2016 là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng dường như những chế tài và phương án trên vẫn không giải quyết được nhiều tình trạng bạo lực ngày một gia tăng.

Tất cả các bộ luật, chính sách đều hướng tới xóa bỏ dần tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt là vấn nạn bạo lực đối với người phụ nữ trong gia đình, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và xây dựng gia đình văn hóa.

Ngoài ra, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và các trung tâm tư vấn phòng, chống bạo lực giới trong gia đình cần nâng cao vai trò của mình bằng nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; tăng quyền cho phụ nữ, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới. Cần có đường dây nóng hoạt động hiệu quả, tích cực để mỗi phụ nữ từ nông thôn đến thành thị khi bị bạo hành gia đình có thể gọi đến và được hỗ trợ ngay lập tức…

Giới truyền thông cũng cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, thực hiện các chương trình làm thay đổi những quan niệm lạc hậu; đề cao vai trò, giá trị của người phụ nữ trong xã hội. Cùng với đó thì nam giới cũng cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình khi biết chia sẻ công việc trong gia đình.

Mỗi người phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về pháp luật, về quyền cá nhân. Chính người phụ nữ cần phải nâng cao hiểu biết và khéo léo tìm cách tiêu diệt mầm mống bạo lực gia đình bằng cách lên tiếng trước dư luận, tìm gặp luật sư, hay đơn giản là nhờ chính quyền cơ sở can thiệp khi bị bạo lực

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều