ĐBSCL ‘thuận thiên’ nhưng không cam chịu
Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên” ở ĐBSCL, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nó không có nghĩa là cam chịu, buông xuôi trước biến đổi khí hậu mà cần nhận thức đúng để thích ứng tốt hơn.
Ngày 13.3, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (NQ 120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng chủ trì hội nghị còn có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Trục nông nghiệp chuyển hướng tích cực
NQ 120 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành năm 2017 với điểm nhấn quan trọng ĐBSCL là xoay trục chiến lược trong nông nghiệp – lĩnh vực vốn là thế mạnh lớn nhất của khu vực này. Từ ưu tiên sản xuất lúa – trái cây – thủy sản sang thủy sản – trái cây – lúa, qua đó, nhiều địa phương đã chủ động chuyển diện tích lúa kém chất lượng, thường xuyên bị hạn mặn sang thủy sản, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Trước khi có NQ 120, trong số 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của vùng thì có 1,82 triệu ha đất lúa, 860.000 ha thủy sản, 385.000 ha cây ăn trái. Sau NQ 120, diện tích trồng cây ăn trái tăng lên 450.000 ha, thủy sản hơn 900.000 ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, trong đó diện tích lúa 3 vụ vốn kém hiệu quả, nhiều rủi ro giảm rất nhiều. Ông Cường nói rồi dẫn chứng: Năm 2016, xuất khẩu nông sản của ĐBSCL đạt 7 tỉ USD, nhưng năm 2020 đã đạt 8,8 tỉ USD. Điều này cho thấy việc chuyển trục nông nghiệp với tinh thần “thuận thiên” là đúng hướng và hiệu quả.
Cũng theo ông Cường, NQ 120 ban hành trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực nhưng điều quan trọng là Chính phủ đã tập trung cao độ để thực hiện, như bố trí 10.000 tỉ đồng để xử lý 119 km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng. Riêng thủy lợi, đã kết hợp giữa giải pháp cứng và mềm, chỗ nào đủ ngọt thì trồng lúa, vùng nước lợ mặn thì nuôi trồng thủy sản trên cơ sở hệ thống thủy lợi được chăm lo sửa chữa, nạo vét. Với 28.000 tỉ đồng đầu tư cho thủy lợi trong vùng, hàng loạt công trình lớn chỉ trong 3 năm qua đã được đưa vào sử dụng, 300.000 ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình này, chưa kể một loạt các công trình của địa phương.
Dồn hàng trăm ngàn tỉ đồng cho ĐBSCL
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin rằng tiếp tục thực hiện NQ 120, trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho ĐBSCL dự kiến khoảng 388.000 tỉ đồng. Với số vốn này sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm như: tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.
Bên cạnh đó còn có nguồn vốn ODA để bổ sung tăng thêm 2 tỉ USD trong giai đoạn 2021 – 2025 cho ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. “Bộ KH-ĐT đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỉ USD. Với quy mô vốn như vậy, sẽ hoàn thành được các công trình: đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng liên quan đến hạ tầng cho ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải ĐBSCL và cả nước nói chung.
Khó khăn từ thượng nguồn Mê Kông
Nói về những thách thức lớn mà ĐBSCL đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Trong khi đó, các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính, vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông ngày càng phức tạp. ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi như thiếu cát, thiếu phù sa, thiếu nước sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng.
“Chúng tôi thấy rằng ĐBSCL cần phải có 1 cảng nước sâu, là cửa ngõ để đưa hàng hóa ĐBSCL ra thế giới cũng như nhập hàng hóa từ thế giới về vùng thông qua 1 cảng của khu vực. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100.000 tấn. Chúng tôi sẽ xã hội hóa cảng này bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư”, ông Thể nhấn mạnh và cho rằng khi đã có cảng hàng không Cần Thơ và có thêm cảng biển này thì ĐBSCL sẽ có thêm động lực rất lớn để phát triển cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển một số vùng đất bị nhiễm mặn thành khu vực công nghiệp.
Mục tiêu qua 8 chữ “G”
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả NQ 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới cho ĐBSCL qua 8 chữ “G” nhằm vận dụng thực tiễn dễ hơn.
Chữ G đầu tiên là “Giao”, tức phải dành nguồn lực ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.
Chữ G thứ 2 là “Giáo”, nghĩa là giáo dục bao gồm cả giáo dục trong nhà trường, các cấp học và đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL cần được chú trọng hơn.
Chữ G thứ 3 là “Giang” nghĩa là sông. Theo Thủ tướng, ở ĐBSCL, kinh tế và sinh kế của người dân luôn gắn liền sông nước nên chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của sông nước để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistics đường sông thì mới thành công. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL. Vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong NQ 120, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”.
Chữ G thứ 4 là “Gắn”, là gắn kết giữa T.Ư với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.
Chữ G thứ 5 là “Giàu”, là tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương thu hút doanh nghiệp giàu có, có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Chữ G thứ 6 là “Giỏi”, là thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL, đóng góp vì sự phát triển của vùng đất này.
Chữ G thứ 7 là “Già”, là ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Do đó, cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế.
Chữ G thứ 8 là “Giới”, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm của ĐBSCL khi phụ nữ bôn ba lấy chồng nước ngoài, đi làm ăn xa vẫn nhiều, Thủ tướng đề nghị đưa nội dung này vào NQ 120.
Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, nhưng Thủ tướng cho rằng nó không có nghĩa là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Biến đổi khí hậu chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người, cần phải nhận thức đúng để có giải pháp và hành động thích ứng phù hợp.
Minh Ngọc