+
Aa
-
like
comment

ĐBSCL: Khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ phải đóng cửa

08/02/2022 15:40

Trước tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ phải đóng cửa. Trong khi đó, ngành chức năng phải cầu cứu Bộ Công thương.

Cầu cứu Bộ Công thương

Ngày 8/2, ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau xác nhận, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị hỗ trợ do tình hình khó khăn về cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, trước đó đơn vị đã có công văn triển khai đến các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và các đơn vị chức năng có liên quan để tổ chức thực hiện về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau hết sức khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để phục vụ người dân trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, theo Công ty TNHH Lý Tấn Tài (gọi tắt là Công ty Lý Tấn Tài), đơn vị là thương nhân phân phối xăng dầu, hệ thống phân phối gồm 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hơn 60 đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau;…

ĐBSCL: Khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ gặp khó khăn - Ảnh 2.
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn phường 4, TP.Cà Mau. Ảnh: CTV

“Nguồn hàng xăng dầu của doanh nghiệp được mua chính từ các đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nhưng trong thời gian gần đây, do tình hình nguồn cung hạn chế, giá dầu thô thế giới tăng liên tục và nhu cầu tiêu thụ dịp tết Nguyên đán tăng cao, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đủ nguồn cung nên đều từ chối cung cấp hàng cho thương nhân phân phối và đại lý”, Công ty Lý Tấn Tài nêu rõ.

Cũng theo Công ty Lý Tấn Tài, hiện nguồn hàng dự trữ của đơn vị đã gần hết. Doanh nghiệp đã cố gắng liên hệ mua của hơn 25 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng các đầu mối nhập khẩu đều không bán hàng. Doanh nghiệp không thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, để đáp ứng xăng dầu phục vụ cho tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kịp thời các thương nhân đầu mối, có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu nội địa.

Cửa hàng nhỏ lẻ phải đóng cửa

Trong khi đó, một số trạm xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng phải đóng cửa.

Theo lý giải của chủ cửa hàng xăng dầu, điều này là do khan hiếm nguồn cung; giá mua vào hiện tại quá cao trong khi chưa điều chỉnh giá bán lẻ, nếu nhập về bán sẽ lỗ vốn.

Được biết, ngày 7/2, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng có văn bản gửi các doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh về việc tiếp tục đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

ĐBSCL: Khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ gặp khó khăn - Ảnh 3.
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Bạc Liêu đóng cửa vì khan hiếm nguồn cung. Ảnh: CTV.

Theo văn bản của Sở Công Thương Sóc Trăng, những ngày trước trong và sau Tết, còn nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán hàng không đúng quy định.

Vì vậy, Sở Công Thương Sóc Trăng đề nghị các thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện nghiêm quy định tại Điều 26, Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Khoản 21, Điều 1, Nghị định số 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83.

Tại tỉnh Bạc Liêu cũng có tình trạng một số trạm xăng ngưng hoạt động. Các cửa hàng xăng, dầu này cho biết là trước giao thừa, họ bán ra gấp 3 đến 5 ngày thường, nên sau Tết đã hết hàng dự trữ. Trong khi đó, nguồn xăng nhập về trạm khan hiếm, giá cao, thậm chí cao hơn giá bán hiện tại khiến cho trạm xăng dầu nhỏ, lẻ rất khó hoạt động.

Trước đó, tại tỉnh An Giang, hàng chục cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã đồng loạt đóng cửa tạm dừng hoạt động. Đa số các cửa hàng đều có lý do chung là hết hàng, nguồn cung không kịp thời.

Ngành chức năng tỉnh này cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng đóng cửa ghim hàng, chờ tăng giá.

Ngọc Anh

Bài mới
Đọc nhiều