+
Aa
-
like
comment

ĐBQH: Vì sao nhà nước không kiểm soát thiết bị y tế đặc biệt quan trọng?

26/10/2020 12:47

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: “Vì sao nhà nước không nắm giữ, kiểm soát các loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng để điều tiết, phục vụ khám chữa bệnh?”.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC); công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) dẫn ra báo cáo tóm tắt thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án TANDTC; Viện trưởng VKSNDTC, trong đó đề cập tới trường hợp cán bộ trong chính cơ quan tổ chức có chức năng phòng chống dịch COVID-19 có hành vi vi phạm pháp luật trong khi mua sắm tư trang vật liệu y tế phục vụ phòng chống dịch.

“Kết quả điều tra vụ án tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy các bị can đã nâng giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh”, ông Sơn cho biết.

ĐBQH: Vì sao nhà nước không kiểm soát thiết bị y tế đặc biệt quan trọng? - 1
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn. 

Theo ông Sơn, có điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ là có hay không có việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này hình thành mặt bằng giá thiết bị y tế để buộc các CDC tại các địa phương phải mua với giá cắt cổ vì không còn con đường nào khác.

“Vậy những doanh nghiệp đó là ai, có phải là sân sau của một vài người. Vì sao với những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này, nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh”, vị đại biểu Đà Nẵng nêu ý kiến.

Trước đó, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết trong mùa dịch vừa qua đã phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi…

Bản Kết luận điều tra số 56/CSKT-P10 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an được công bố hồi tháng 9 nêu rõ về thủ đoạn mua bán lòng vòng, nâng khống giá máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng.

Nhóm bị can gồm: Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam); Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành) và 6 bị can khác.

Kết quả điều tra xác định: Sở Y tế Hà Nội giao CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung 31 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị phòng COVID-19. Giá dự toán của gói thầu số 15 (gồm các loại máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19, máy chiết tách DNA/RNA, tủ lạnh âm…) là 9,5 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Đầu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của bị can Nguyễn Nhật Cảm, CDC Hà Nội đã không thực hiện theo quy định mà chỉ định thầu.

Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm ấn định nhà thầu là Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (gọi tắt là MST), với mức giá trúng thầu được chỉ định là 9,5 tỷ đồng.

Sau đó, bị can Cảm cùng đồng phạm tiến hành mua bán lòng vòng, mỗi lần mua bán lại tăng giá thành lên để trục lợi. Các bị can thống nhất “chung chi” cho Nguyễn Nhật Cảm 15% và Đào Thế Vinh (giám đốc MST) 1,5% số tiền của hệ thống trên.

PV/VTC

Bài mới
Đọc nhiều